Khi “bóng hồng” đam mê làm du lịch cộng đồng
Được đào tạo bài bản và làm việc trong lĩnh vực du lịch, cô gái người dân tộc Tày Hoàng Thị Xới nhận thấy quê hương mình - bản Tông Cại (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, ấn tượng với du khách. Từ đó ý tưởng kinh doanh ngay tại quê hương đã tạo động lực để Xôi Farmstay, một homestay độc đáo ra đời.
Gia đình Hoàng Thị Xới đón khách
Sửa nhà đón khách
Bản Tông Cại, nơi gia đình Hoàng Thị Xới sinh sống nằm giữa lòng thung lũng Lâm Thượng thanh bình. Cánh đồng và xóm làng được núi rừng trùng điệp bao quanh nên sáng sớm vẫn thấy mây sà xuống bản, chiều về đứng trên đỉnh núi nhìn xuống là khói bếp quẩn trên những mái nhà. Dân bản chủ yếu là người Tày, sống trong nhà sàn, bao đời nay chỉ quen với nghề nông và đi rừng. Ở đây bà con còn giữ gìn gần như nguyên vẹn truyền thống, tập tục cha ông để lại, kể cả nếp nhà sàn hay lời ăn tiếng nói.
Từ kinh nghiệm làm du lịch, Hoàng Thị Xới tin tưởng vào lựa chọn về quê khởi nghiệp của mình. Rất nhiều khách hàng của Xới đã bày tỏ sự quan tâm tới cảnh quan thiên nhiên, mong muốn khám phá cuộc sống chân thực của người dân nông thôn. để trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng người dân. Vì vậy, Hoàng Thị Xới bàn với gia đình tu sửa để đảm bảo tiện nghi cho khách, còn vẫn giữ những không gian truyền thống như nhà sàn, bếp lửa, công cụ lao động thường nhật… để khách có thể cảm nhận ngay được là một bảo tàng sống, một không gian văn hóa truyền thống của người Tày đang hiện hữu ngay trước mặt. Khi bắt đầu sửa sang nhà cửa đón khách, Hoàng Thị Xới tự viết lời giới thiệu Xôi Farmstay là “nơi chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam”.
Chỉ đủ tiền sửa sang nhà cửa, Hoàng Thị Xới tự quảng bá trong hệ thống đối tác, bạn bè, người thân của mình. Lượng khách ban đầu đến đây đều do giới thiệu, truyền miệng hoặc đọc được thông tin trên mạng xã hội. Từ cuối mùa Thu năm 2017, Xôi Farmstay của Hoàng Thị Xới bắt đầu vận hành. Người trong gia đình cũng tự học cách làm du lịch cộng đồng, từ kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, giới thiệu cho khách. Những người trong gia đình nhớ nhất là Tết năm 2018, cái Tết đầu tiên làm du lịch, cả nhà được đón năm mới cùng những người khách nước ngoài, được giới thiệu những phong tục tập quán độc đáo của quê hương mỗi dịp Xuân về cho du khách. Lượng khách đến với Xôi Farmstay tăng đều qua các năm. Năm 2019, Xôi Farmstay đã đón gần 300 lượt khách về lưu trú, nghỉ ngơi và khám phá miền quê vùng cao Yên Bái. Trong đó có 60% là khách quốc tế. Nhiều du khách đã chia sẻ và có những phản hồi tích cực, thích thú với làng bản với những nếp nhà sàn truyền thống, cảnh sắc thanh bình, người dân thân thiện nơi đây.
Đánh thức tiềm năng du lịch quê hương
Xôi Farmstay là không gian lưu trú, còn Hoàng Thị Xới đã “đánh thức” tiềm năng du lịch của quê hương, tạo ra các chương trình trải nghiệm thú vị cho những du khách như khám phá làng bản, leo núi, đạp xe, trồng cây, làm vườn, câu cá, thăm nhà sàn cổ, học dệt thổ cẩm và tìm hiểu về văn hóa người Tày…
Hoàng Thị Xới dẫn khách tham quan bản
Từ du lịch cộng đồng, du khách đã biết tới thác Nặm Chắn, thác Nà Kèn, khám phá hang Bản Khéo, leo núi Khau Chảu hay đạp xe quanh các bản làng bình yên với những ngôi nhà sàn truyền thống, học cách nhuộm chàm và dệt vải... Ở bản Tông Cại vẫn có những người tâm huyết giữ nghề làm đồ thổ cẩm, nhuộm vải chàm để may trang phục truyền thống. Theo nhu cầu của thị trường, bà con đã tổ chức các chương trình trải nghiệm gắn với các sản phẩm thủ công truyền thống như đồ thổ cẩm, mở lớp dạy nhuộm chàm làm quần áo người Tày, bán các loại đồ đan lát, cốc tre… ngay trong nhà cho du khách. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho bà con trong bản, Hoàng Thị Xới còn động viên các tổ, đội trong các xóm bản khác cùng tham gia làm du lịch cộng đồng. Tối nào có khách, đội văn nghệ của bà con bản Kéo cũng qua biểu diễn văn nghệ. Những điệu múa truyền thống như hát sli, hát lượn, cùng trong mặc trang phục của người Tày trở thành nét hấp dẫn du khách.
Hoàng Thị Xới còn tạo dựng các chương trình trải nghiệm liên tuyến cho du khách. Xôi Farmstay giống như một điểm nghỉ trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc, từ đó có thể đi tiếp theo lịch trình khám phá Hà Giang, Sa Pa, Thác Bà… hoặc trở về Hà Nội. Nhưng đây cũng có thể là một mô hình trải nghiệm du lịch - nông nghiệp đặc trưng. Chị Lương Thị Hương Chi, một du khách đến từ Hà Nội ấn tượng nhất với môi trường trong lành, sản phẩm sạch của người dân bản. Chị cho biết, “mỗi gia đình ở đây làm du lịch theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp. Họ cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách hoặc tạo điều kiện cho khách tham gia trải nghiệm ra vườn hái rau, lội áo bắt cá, ra đồng gặt lúa, đào khoai…”. Du khách tới đây còn được bắt cá suối. Loài cá bống sống tự nhiên trong các khe suối là đặc sản của nơi này. “Đó là một trải nghiệm không phải nơi nào cũng có được”, chị Hương Chi bày tỏ.
Thảo Minh
Gửi bình luận