Khám phá phiên chợ cầu may ở Quảng Nam
Trong tâm thức của người dân vùng này thì “dù mất mùa, đói kém hay chiến tranh loạn lạc, không năm nào phiên chợ cầu may đầu năm ở miền quê Trung Phước vắng người’’. Đây là chợ quê họp vào sáng mồng Ba Tết âm lịch với sản phẩm chủ yếu là cá mương. Mọi người đi chợ để mua cá mương kịp về nhà làm mâm cơm dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà trong ngày mồng Ba Tết để mong được một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, gia đình khoẻ mạnh, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, mọi chuyện tốt lành...
Khi ghe đến nơi để hành nghề, cư dân làm lễ cúng Thần sông (Hà bá) ngay trên thuyền
Hằng năm, khi tiết trời chuyển dần sang ấm áp báo hiệu mùa Xuân đang về trên mọi miền của đất nước cũng là lúc ở miền quê sơn cước Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam), mọi người tất bật đổ về chợ Trung Phước. Đò vừa cập bến, cũng là lúc phiên chợ cũng vừa nhóm họp. Dọc hai bên đường từ bến đò Trung Phước dẫn vào chợ khoảng độ hơn trăm mét, những hàng mì Quảng, nước giải khát dựng lên san sát núp mình dưới những luỹ tre làng hương thơm ngát.
Cái độc đáo của phiên chợ cầu may, mọi người đến chợ thường bưng mủng, thúng không và đến đây để được mua cái may mắn. Chỉ có một thứ duy nhất cần phải mua trong phiên chợ đầu năm này là cá mương. Từ lâu, cá mương đã trở thành biểu tượng cho sự may mắn, theo quan niệm dân gian vùng này: “mương may, chày rủi” (ăn cá mương luôn gặp điều may, ăn phải cá chày thì gặp hẳn chuyện xui). Với họ, tiền bạc để mua cá mương không quan trọng, chỉ cần có cá mương để kịp đem về nhà chế biến các món dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà.
Ông Trần Duy Khánh (67 tuổi), hiện sống ở làng Trung Phước, có gia đình bao đời làm nghề chài lưới trên sông Thu Bồn cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, vào những đêm tối trời cá mương đi ăn nhiều hơn. Vì thế, mà việc đánh bắt cá mương được dễ dàng, năng suất nhiều hơn so với những đêm trăng sáng. Trong phiên chợ cầu may mồng Ba Tết, trung bình mỗi ghe chài có thể từ 8 đến 10 kg cá mương để bán.
Từ chiều của ngày mồng Hai Tết, các hộ dân chài đã tiến hành làm lễ cúng thần sông ngay trên thuyền, cầu mong vị thần chủ quản sông nước phù hộ một năm đi đánh bắt cá trên sông nước được bình yên, an lành, may mắn. Sau đó, người ta mới bắt đầu thả lưới để đánh bắt cá. Cũng theo ông Trần Duy Khánh, khi trời quang, mây tạnh, không mưa, lúc đó mặt nước sông Thu Bồn tĩnh lặng, cá mương thường nổi lên sát mặt nước để kiếm ăn. Trong điều kiện như vậy, người ta thả lưới nổi (lưới có phao) ngay trên mặt nước. Đánh bắt dạng này thì cho năng suất nhiều hơn. Nếu gặp phải trời mưa, mặt nước sông luôn gợn sóng, cá mương thường ăn dưới mặt nước, ở tầng sâu hơn, vì vậy người ta phải thả lưới chìm (lưới có đính chì), nhưng cho năng suất thấp hơn.
Cá mương được bán vào dịp mồng Ba Tết
Trong tiết Xuân, cái lạnh vùng cao thêm thấu xương, khi gà trong làng cất tiếng gáy ran canh ba (khoảng 4 giờ sáng), báo hiệu một ngày mới bắt đầu về trên vùng miền sơn cước này, thì cũng là lúc các ghe chài làm nghề đánh bắt cá mương trên sông Thu Bồn lần lượt xuôi về đến bến chuẩn bị để đem cá lên chợ bán Trung Phước vào sáng mồng Ba Tết.
Khoảng 5 giờ sáng, phiên chợ nhóm họp lác đác rồi đông dần, mọi người đổ xô về chợ mỗi lúc một đông và nhộn nhịp hơn. Các hộ dân chài đem cá lên chợ bán ngồi san sát nhau và lượng cá mỗi lúc một nhiều hơn. Mặc dù, giá cá mương sáng mồng Ba Tết có thể đắt hơn nhiều so với ngày thường nhưng ai cũng mua cho bằng được.
Nếu có dịp đến Quảng Nam vào ngày mồng 3 Tết hằng năm, đừng quên tham dự phiên chợ cầu may độc đáo này để mang về những điều chúc tốt lành cho một năm mới may mắn của người dân miền quê Trung Phước.
Nguyễn Văn Sơn
Gửi bình luận