Khai thác tiềm năng ven sông để phát triển du lịch Tp. Hồ Chí Minh – Kỳ 3: Quản lý bờ… để hướng đến thành phố sông nước
>>Kỳ 1: Hệ thống kênh rạch sẽ là điểm nhấn cho du lịch Thành phố
>>Kỳ 2: Du lịch đường thuỷ Tp. Hồ Chí Minh đang có gì?
Theo thông tin mà PV có được, UBND Tp. HCM sẽ xây dựng Kế hoạch hành động phát triển Thành phố định hướng đến năm 2030 tầm nhìn 2045, trong đó có quy hoạch về bờ kè sông và sử dụng quỹ đất ven sông.
Hiếm có công viên bờ sông nào đẹp như tại khu Vinhomes Central Park
Nhiều dự án tạo mỹ quan đô thị Thành phố
Sông, kênh, rạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất đặc biệt, vì vậy phải có quy hoạch sử dụng sông nước gắn với quy hoạch xây dựng bờ kè và sử dụng đất ven sông. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM cho biết, “Trong hơn 20 năm qua, Tp.HCM đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc cải tạo, phát triển hệ thống sông, kênh, rạch, với hàng loạt dự án, trong đó có nhiều dự án với quy mô rất lớn”. Điển hình trong giai đoạn từ năm 1995 - 2018, Tp. HCM đã triển khai thực hiện nhiều dự án bờ kè, bờ kênh nội thành như Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố (giai đoạn 1), cụ thể là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài khoảng 10km, có lưu vực thoát nước đảm nhận là trên 3,3 ngàn hecta, có tổng mức đầu tư gần 320 triệu USD (tương đương với gần 6 nghìn tỷ đồng), trong đó vốn ODA gần 300 triệu USD, vốn đối ứng của UBND là 23 triệu USD. Dự án Cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1), cụ thể là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, trong đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 3000 tỷ đồng. Hay dự án thành phần số 4 - cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm có tổng vốn đầu tư là 167 triệu USD, diện tích lưu vực khoảng 19km2, qua các địa phận các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú. Ngoài ra còn hàng loạt công trình liên quan đến sông, kênh, rạch khác đã giúp cho Thành phố có một diện mạo khác biệt, tạo thêm nhiều dấu ấn, tạo mỹ quan đô thị rất lớn so với trước đó.
Hiện nay dọc các bờ sông, kênh, rạch của Tp. HCM đang có tốc độ phát triển nhanh. Có nhiều khách sạn 5 sao, các tổ hợp giải trí hiện đại - cao cấp, khu thương mại - văn phòng làm việc… với mật độ xây dựng khá cao đã và đang mọc lên dọc ven sông, kênh, rạch ở Tp. HCM. Điển hình như khu đô thị Sala (quận 2), khu Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) và hàng loạt khu vực khác đang mọc lên như khu công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), khu vực Bến Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4), khu đô thị Vạn Phúc (quận Thủ Đức), công viên mũi Đèn Đỏ (quận 7), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… Đây đang được xem là những điểm nhấn cho cho cảnh quan hai bên bờ sông, kênh, rạch của Tp.HCM khi hoàn thành và đi vào hoạt động.
Quản lý và phát triển bờ
Theo ông Trần Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp. HCM, hiện nay tất cả các khu vực dọc sông, kênh, rạch ở Tp. HCM đều đã có quy hoạch phân khu quy hoạch 1/2000, có quy định về hành lang bảo vệ kênh, sông, rạch. Theo các quy hoạch này thì khu vực ven sông trong hành lang an toàn chủ yếu được quy hoạch với chức năng là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Ven các dòng sông, kênh, rạch của Tp. HCM còn có các đồ án quy hoạch về du lịch đường thủy, giao thông đường thủy. Vấn đề đặt ra là các đồ án quy hoạch đang thiếu kết nối giữa các khu vực ven sông, phần lớn là các dự án có quy hoạch 1/500 ven sông, kênh, rạch thiếu đồng bộ, hạn chế về mặt chất lượng, chưa có các giải pháp để khai thác cảnh quan ven sông.
Người dân luôn kỳ vọng, sông, kênh, rạch sẽ trở thành những điểm tham quan hấp dẫn, ấn tượng
Phó Chủ tịch UBND Tp. HCM Võ Văn Hoan cho biết thêm, “Tp. HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án phát triển bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn. Đồng thời, sẽ xây dựng khung pháp lý để phát triển và có quy chế nhằm quản lý thống nhất đồng bộ rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, của người dân và doanh nghiệp… Mặt khác, cũng sẽ có những chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức, cá nhân lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch”. Ngoài ra, “Tp. HCM sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới bờ kè, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm, như kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Xuyên Tâm… và có nhiều cơ chế để huy động nguồn lực xây dựng một số vùng đệm để bảo vệ bờ kè, khai thác quỹ đất. Tp. HCM dù đang phát triển rất nhanh nhưng nhưng vẫn hướng tới đô thị sông nước”, ông Hoan nói.
Ngày 14/9 vừa qua, Tp. HCM đã đưa vào khai thác cầu sắt Bình Lợi mới trên sông Sài Gòn, đồng thời, phá dỡ cầu cũ (để lại một phần làm công tác bảo tồn) để nâng cao độ tĩnh không thông thuyền, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển du lịch đường thủy của Tp. HCM. |
Thanh Tùng
Gửi bình luận