Khai thác du lịch dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 15/11, tại Quảng Nam, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp cùng các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”. Hội thảo dự kiến có sự tham dự của các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Gia Lai, Đà Nẵng… và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.
Du khách nước ngoài trải nghiệm tour du lịch trồng lúa tại Hội An
Hội thảo nhằm thể hiện cách tiếp cận phát triển mới của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cho giai đoạn mới. Đó là tập trung ưu tiên phát triển du lịch; coi đây là hướng “mũi nhọn” của chiến lược phát triển, là lĩnh vực chính để thực hiện liên kết phát triển vùng.
Tại Hội thảo, các địa phương, các bên tham dự sẽ trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm khai thác các yếu tố văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại Kon Tum; Khai thác du lịch homestay nhà vườn truyền thống ở khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn tại Thừa Thiên Huế; Giải pháp liên kết chuỗi du lịch đô thị và nông thôn Tp.Đà Nẵng gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai; Chương trình OCOP phục vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam; Sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới tại Bình Định; Khai thác các giá trị về di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam…
Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm: Đánh giá sự chuyển mình của nông thôn miền Trung qua quá trình xây dựng nông thôn mới để ưu tiên thúc đẩy liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái; Xác định nội hàm liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái mang tính bản sắc của vùng; mức độ phù hợp của cách tiếp cận và lợi ích do liên kết phát triển mang lại; các hình thức để thực hiện liên kết và các điều kiện bảo đảm thực thi; nguồn lực và chủ thể thực hiện liên kết phát triển; cơ chế và các chính sách thúc đẩy liên kết …
Thanh Hoàng
Gửi bình luận