KTS. Huỳnh Tấn Phát có ông cố là “Thành hoàng bổn cảnh”, kỳ cuối
Kỳ cuối: “Thành hoàng bổn cảnh” - ông cố của KTS. Huỳnh Tấn Phát là ai?
Từ thành phố Bến Tre theo tỉnh lộ 660 đến ngã tư huyện Châu Thành dài 8 km, tiếp theo hướng Đông 14km nữa đến UBND xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, nơi có ngôi đình thờ “Thành hoàng bổn cảnh” Huỳnh Văn Thiệu. Ông là người được dân chúng tôn sùng vì có công tập hợp lưu dân khai phá vùng đất hoang vu, đầy thú dữ để ổn định cuộc sống, và sau khi Trương Định hy sinh ông đứng ra lập làng kháng Pháp.
Đình Tân Hưng, thờ “Thành hoàng bổn cảnh” Huỳnh Văn Thiệu.
Bộ tướng của Trương Định
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Hội, nhiều tài liệu lịch sử cho thấy KTS. Huỳnh Tấn Phát chịu ảnh hưởng sâu đậm truyền thống yêu nước của tổ tiên, dòng tộc họ Huỳnh. Đặc biệt ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cụ cố Huỳnh Văn Thiệu mà KTS. Huỳnh Tấn Phát là cháu đời thứ 5. Trang sử được mở đầu bằng thời kỳ khai phá lập làng, lập ấp.
Trong những năm đầu của lưu dân thời chúa Nguyễn, Bình Đại giống như nhiều nơi khác ở Nam bộ, ngoài việc chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, còn phải liên tục chống chọi với thú dữ hiểm nguy nhưng khó khăn không làm nhụt chí người dân đi mở đất. Đó là vào khoảng giữa thế kỷ 19, vùng Bình Đại đã có dân cư, nhưng một số nơi vẫn còn hoang vu và đầy thú dữ. Ông Huỳnh Văn Thiệu đứng ra tập hợp dân cư ngoài thân tộc lại để khai phá, sản xuất. Ông tổ họ Huỳnh là Huỳnh Văn Sách, bỏ xứ Huế vào Gia Định để chống lại phe “Tân Trào” và đến định cư ở vùng đất này để khai phá. Trải qua quá trình lao động vất vả, đời sống lưu dân dần ổn định, đất đai mở rộng và phát triển. Cư dân sống quây quần bên nhau thành thôn, xóm đủ điều kiện để triều đình đặt bộ máy quản lý cấp thấp nhất.
Đền thờ Huỳnh Tấn Phát
Trên mảnh đất này chiều dài lịch sử chứng minh họ luôn chịu sự cai trị, đè nén của mọi thứ luật lệ phong kiến hủ lậu, của các thế lực địa chủ cường hào đua nhau áp bức người dân hiền lành chăm chỉ làm ăn. Nhưng người dân nào chịu khuất phục, họ luôn tìm cơ hội đứng lên chống lại những bất công đó. Đến khi thực dân Pháp cưỡng đoạt Nam kỳ người dân sống trong tủi nhục mất nước, một cổ hai tròng, họ phải đấu tranh. Trải qua thời gian dài khai phá ông Huỳnh Văn Thiệu được người dân mến mộ, trọng dụng. Thấy vậy thực dân mời ra làm chức việc cho làng Tân Hưng (nay thuộc xã Châu Hưng – NV) nhưng ông từ chối và tập hợp cư dân xây dựng lực lượng nghĩa quân đi theo phong trào khởi nghĩa của Trương Định để chống Pháp.
Năm 1864 căn cứ Tân Hoa thất thủ, Trương Định hy sinh, ông về Bình Đại chiêu mộ nghĩa quân tiếp tục cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Nổi bật trong phong trào chống Pháp ở Bình Đại được sử sách ghi nhận là cuộc khởi nghĩa của Trịnh Viết Bàn và Huỳnh Văn Thiệu, cả hai là bộ tướng của Trương Định. Không lâu sau do bọn tay sai chỉ điểm, ông bị Pháp bắt. Chính quyền thực dân dùng mọi cách uy hiếp, chiêu dụ nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết. Cuối cùng chúng đã bêu đầu ông ở Bàu Sấu, dân làng đưa xác ông về an nghỉ ở ấp Hưng Nhơn, gia phả ghi ngày kỵ là 24 tháng 7 năm 1864 âm lịch.
Cảm kích tinh thần yêu nước của ông, năm 1905, dân làng Tân Hưng, nay là Châu Hưng cùng với gia đình lập đền thờ ông Huỳnh Văn Thiệu bên rạch Vàm Hồ, cạnh lộ làng Tân Hưng và lấy tên đình Tân Hưng. Sau đó dân làng đưa linh vị ông về thờ tự và tôn vinh ông Hùynh Văn Thiệu là “Thành hoàng bổn cảnh” cai quản xứ Châu Hưng. Từ đây việc thờ cúng ông Huỳnh Văn Thiệu là việc chung của người dân trong làng. Tuy nhiên, khác với một số ngôi đình ở Bến Tre hay ở Nam bộ, đình Tân Hưng không có sắc phong của triều đình thế tục. Đình Tân Hưng tồn tại là sự tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với người có công với dân với nước, và, mãi sẽ không phai mờ trong ký ức người dân. Qua lễ hội đình làng hàng năm ở đây có thể thấy rõ điều này.
Một trong những ngày lễ tưởng nhớ KTS Huỳnh Tấn Phát tại đền thờ của ông.
Uống nước nhớ nguồn
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế hoạch thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và chi bộ cơ sở. Những năm 1945, 1946, đình Tân Hưng là nơi tập hợp lực lượng Thanh niên Tiền phong để chuẩn bị cho kháng chiến chín năm. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị từ năm 1954 – 1963, đình Tân Hưng là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, hưởng ứng sôi nổi phong trào Đồng Khởi, phong trào chống độc tài Ngô Đình Diệm. Nhiều cơ sở vật chất của đình trở thành vũ khí góp phần mang lại thắng lợi cho cho phong trào.
Năm 1968, cùng với các nơi khác nổi dậy tấn công Mậu Thân, tại địa phương các vị trong Ban khánh tiết đình Tân Hưng đi đầu trong công tác cứu thương phục vụ những trận đánh lớn, nổi bật có ông Huỳnh Văn Búp, Huỳnh Văn Phường, Nguyễn Văn Thiện…Vì đình Tân Hưng là nơi thường xuyên đi lại và hoạt động của cán bộ Đảng viên cơ sở, nơi cất giữ tài liệu, vũ khí… Thế nên, vào 1970, địch ném 2 quả bom gây thiệt hại nặng cho đình, dù vậy đình vẫn là cơ sở của Đảng bộ địa phương cho đến ngày đất nước thống nhất.
Suốt chiều dài lịch sử từ những tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất này đến nay các thế hệ con cháu qua từng thời kỳ đã sống sắt son, đoàn kết theo gương tốt của người đi trước. Theo các cụ già trong làng người dân ở đây rất ngưỡng mộ ông Huỳnh Văn Thiệu người có công lập làng và kháng Pháp nên họ lập đình thờ ông. Ngôi đình tồn tại đến nay là minh chứng chân thật nhất về lòng nhân nghĩa, kính trọng và ý chí đấu tranh anh dũng của người dân đất Việt. Qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân Tân Hưng đã có những người con theo Đảng góp phần giải phóng dân tộc xây dựng quê hương, trong số những người ấy có KTS. Huỳnh Tấn Phát.
Cạnh đình Tân Hưng là đền thờ KTS. Huỳnh Tấn Phát, cháu đời thứ 5 của ông Huỳnh Văn Thiệu. Người ta biết đến KTS. Huỳnh Tấn Phát như một trí thức yêu nước lớn, một nhà hoạt động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Khi ông mất dân làng Tân Hưng đã rước di ảnh ông về thờ bên cạnh đình Tân Hưng nhằm giáo dục cho thế hệ con cháu ra sức học tập và làm việc như lúc sinh thời ông vẫn làm. Qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, một nét đẹp của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống yêu nước và cách mạng qua nhiều thế hệ.
Cao Phương
Gửi bình luận