Huyền thoại võ lâm Tân Khánh – Bà Trà: Kỳ 1: “Võ Tòng Tân Khánh”
Miếng võ thời khẩn hoang
Theo lịch sử Bình Dương 300 năm, đầu thế kỷ 17, có một làn sóng cư dân người Việt từ miền Thuận Quảng thuộc xứ Đàng trong Nam tiến vào khai phá vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Trên bước đường Nam tiến, họ mang theo những miếng võ cổ truyền để phòng thân. Chính những di dân đầu tiên này lập ra làng Tân Khánh, nay là thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Để thích nghi vùng đất mới, hoang sơ, nhiều thú dữ và cướp bóc, họ phát huy miếng võ cổ truyền nhằm chống lại thiên nhiên hoang dã để sinh tồn. Từ đó hình thành nên môn võ miệt rừng, với tên gọi võ lâm Tân Khánh. Nhưng mãi hai thế kỷ sau, võ lâm Tân Khánh mới được nhiều người biết tới. Đó là vào đầu thế kỷ 19, Gia Long lên ngôi, với chính sách tìm diệt cựu thần nhà Tây Sơn để trả thù thì mảnh đất Tân Khánh đón tiếp một gia đình họ Võ.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời điểm đó, người ta thấy xuất hiện một quán nước ở bên đường. Chủ quán là một cô gái rất xinh đẹp. Trên quầy hàng của cô có treo một thanh gươm, với thâm ý: Anh em nào uống nước mà không trả tiền thì xin hỏi qua thanh gươm này trước khi bước đi!
Cô gái bán nước xinh đẹp ấy có tên là Trà và về sau người ta gọi là Bà Trà (Võ Thị Trà). Con của một gia đình thuộc bộ tướng nhà Tây Sơn về đây lánh nạn. Bà Trà mang theo mình môn Quyền thuật và Thập bát ban võ nghệ Bình Định.
Ban ngày bán nước, ban đêm thỉnh thoảng bà đi vài đường côn. Đường côn của bà ít ai sánh kịp. Thấy vậy, trai tráng trong làng đến xin bà học vài miếng võ để phòng thân.
Thực ra từ trước khi Bà Trà đến đây, Tân Khánh đã là vùng đất võ. Tuy vậy, kể từ khi có cô gái họ Võ xuất hiện, võ lâm Tân Khánh mới có cơ hội thăng hoa, do sự tăng cường kỹ thuật của võ Tây Sơn Bình Định. Và cũng tại đây, lịch sử vùng đất Đông Nam bộ đã ghi nhận Bà Trà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại bọn tham quan ở địa phương từ căn cứ Truông Mây trên đất Tân Khánh trong suốt mười năm (1850 - 1859). Mặc dù qua nhiều thế kỷ, người dân địa phương vẫn tự hào khi nhắc đến “nữ chúa” Truông Mây. Để rồi kể từ đó, tên đất gắn với tên người: Tân Khánh – Bà Trà, và võ phái cổ truyền ở đây cũng được gọi là võ phái Tân Khánh – Bà Trà.
“Võ Tòng Tân Khánh”
Theo võ sư Hồ Tường, hậu duệ đời thứ năm của môn phái này, hiện đang dạy võ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM: Bà Trà có hai đệ tử xuất sắc là anh em ông Hai Ất (Võ Văn Ất) và Ba Giá (Võ Văn Giá), có hơn 10 lần đối đầu với cọp. Hai ông sử dụng trường côn, dân Tân Khánh còn gọi là roi, được làm bằng cây mật cật, to bằng chén ăn cơm. Võ nghệ hai ông vang danh khắp vùng. Và một trong những “chiến tích” diễn ra ở Hố Ngỡi - địa danh nằm cạnh làng Tân Khánh, nay thuộc xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên.
Truyền thuyết kể rằng, đó là vào một buổi chiều, người ta chứng kiến một mình ông Ất đứng giữa, áo rách tả tơi, nhảy qua trớ lại, tránh móng vuốt của ba con cọp dữ. Mồ hôi nhễ nhại, xem chừng đã tới hồi kiệt sức. Ông Ất vừa tránh con bên tả thì con bên hữu phóng vào, bốn móng vuốt chụp thẳng như sẵn sàng xé xác đối thủ thành trăm mảnh. Những người chứng kiến đồng thanh la lên khi thấy ông Ất té xuống. “Trời ơi! Chết rồi”.Trong lúc mọi người tưởng ông Ất cầm chắc cái chết vì kiệt sức, một số người thủ sẵn cung tên định bắn giải cứu, bỗng có tiếng thét: “Đừng bắn, đừng bắn, có tui đây”.
Đó là tiếng của ông Giá, sợ họ bắn lạc tên trúng ông Ất. Bởi ông biết ông Ất không thể nào bị hạ một cách dễ dàng như vậy, mà đó chính là thế “Phục địa lang hành”, ngã xuống đất để xoay mình đá tung lên. Con cọp từ trên nhào xuống tưởng chụp được đối thủ thì bất ngờ lãnh cú đá ác liệt. Lẹ làng, ông Ất phóng lên lưng cọp, vung tay đập xuống gáy liên hồi. Trong lúc ông Ất giáng những nắm đấm như thôi sơn vào gáy cọp thì hai con kia nhảy bổ vào. Thấy vậy, ông Ất định buông con cọp đang gìm giữ, nhưng vừa nới tay thì con này suýt hất ông ngã ngửa. Hốt hoảng, ông lấy hết sức bình sinh đấm xuống gáy nó thêm mấy cái. Nhưng vì đã phí sức nhiều, quả đấm không còn đủ lực hạ con cọp dữ. Mồ hôi ra như tắm, ông Ất vừa đè cổ cọp xuống, gắng sức bẻ lọi cổ nó thì lại nghe tiếng ông Giá: “Ngồi yên đó. Có tôi tiếp đây”.
Trong chớp mắt, ông Giá dùng thế “giải giáp”, cởi phăng chiếc áo đang mặc ném vào con cọp gần nhất. Thấy chiếc áo thình lình bay tới, cọp ngỡ có người trợ chiến, liền chụp cái áo xé tan nát. Chặn đứng được một con, ông Giá vung roi phóng tới đập thẳng vào đầu con cọp đang sắp chụp lên đầu ông Ất. Con cọp này không kịp kêu lên một tiếng, té lộn mèo về phía sau, óc văng ra trông thật khiếp. Tiện đường roi, ông Giá quất vào lưng con cọp đã vồ chiếc áo. Con này
cũng nhanh nhẹn trớ khỏi, nhưng liền sau đó những đường roi tung ra vun vút. Cọp trúng roi, lùi lại định tẩu thoát thì ông bồi thêm một roi ngang lưng nằm luôn không cựa quậy.
Thấy em giết được hai con cọp, ông Ất mới nhìn xuống thì thấy con cọp đã bị ông bẻ cổ nằm chết tự bao giờ…
Gửi bình luận