Hương vị Tết Huế
Ba tháng mưa lạnh triền miên rồi cũng qua. Tháng Chạp trời Huế ấm dần lên, Tết đang lấp ló ngoài ngõ, trên những luống cải nở bông vàng rực sau vườn, lòng người rộn rã vui.
Bánh Tết Huế (ảnh HTT)
Nắng lên rồi! Dù chỉ mấy ngày hiếm hoi đủ để hong khô màu vôi mới sơn lại ở những ngôi nhà, mai vàng hé nụ, nhiều người cắt tỉa lại hàng chè tàu thẳng tắp, nắng lên đủ hong khô những củ, quả của thẩu dưa món…, và nắng lên giúp người lao động nghèo tranh thủ chạy thêm cuốc xe để mua cho con bộ quần áo mới.
Trong thời buổi đã có nhiều đổi thay, cái gì cũng vội vàng cho kịp với tốc độ của thời hiện đại, đến như cái ăn- một trong những vấn đề quan trọng nhất cũng đã có dịch vụ lo. Bởi vậy, bây giờ đã vơi đi cái không khí háo hức chuẩn bị công phu trong từng gia đình. Tuy vậy, Tết ở Huế vẫn còn giữ gìn được nhiều mỹ tục hay từ màu sắc, hương vị rất đáng để thưởng thức. Nhắc đến Tết Huế là nhắc đến những lễ nghi cúng tế, chiêm bái tưởng nhớ… Trước Tết, nhiều người cúng tổ nghề truyền thống, hai ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, cuối năm chọn ngày lành để cúng Tất niên mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu, cúng Giao thừa.
Ngày hai chín, ba mươi Tết là thời điểm bận rộn nhất mà ngập tràn niềm vui. Từ sáng tinh mơ, các chợ đã tấp nập người mua bán, người ta đi chợ mua sắm bởi nhà nào cũng muốn làm mâm cơm tươm tất dâng cúng tổ tiên. Chính cái không khí rộn ràng mỗi người mỗi việc đã làm nảy sinh thêm tình cảm yêu thương, gắn bó mọi người với nhau.
Tết là quay về dưới mái nhà xưa của thời thơ ấu. Gia đình đoàn tụ êm ấm, hạnh phúc trong lễ cúng Tất niên, rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, sáng trưng, hoa trái thơm tho quyện trong mùi hương trầm nhẹ bay ở gian thờ làm cho không khí thêm ấm áp, thiêng liêng. Các món dâng cúng tổ tiên được nấu nướng công phu với nhiều màu sắc, trình bày đẹp vào những chén dĩa nhỏ với lòng thành kính. Cúng xong, mọi người quây quần bên mâm cơm trong chiều cuối năm đầy ắp tiếng cười…
Cúng giao thừa (ảnh Đào Hoa Nữ)
Quét dọn sân vườn xong, thong thả đi trong nhà ra ngoài ngõ, mọi vật đều sạch sẽ, tinh tươm, hít thở không khí trong lành giữa tiết Xuân. Các thành viên trong nhà nói năng nhỏ nhẹ, ai cũng muốn làm những việc tốt lành, ước nguyện cả năm gặp điều lành. Cúng giao thừa là lễ cúng thiêng liêng nhất, giây phút giao hòa giữa Đất- Trời với hồn người. Khi hai kim đồng hồ nhích đến số 12 là lúc nén hương và lò trầm được đốt lên với mâm cúng mứt bánh, hoa trái, xôi chè… Chắp hai tay đứng trước bàn thờ hướng vọng tổ tiên, lòng người lắng xuống, tĩnh tâm, xa xa chuông chùa Thiên Mụ vọng ngân…
Sáng mồng một Tết, việc đầu tiên là thắp hương và xông trầm bàn thờ tổ tiên. Mọi người mặc những bộ áo quần sạch sẽ, chuẩn bị đón khách đến chúc Tết, con trẻ xúng xính quần áo mới chạy tới chạy lui, hân hoan chờ đón người lớn mừng tuổi đầu năm.
Ở Huế, người ta coi trọng việc xông đất” sáng mồng Một. Những người được “nhắm” đến xông đất là người tử tế, làm ăn thành công hoặc những người hoạt bát, vui vẻ. Người Huế dành trọn ngày mồng Một để đi thăm bà con, thắp hương cho người đã khuất và viếng mộ. Tục đi chùa ngày Tết được nhiều người giữ gìn, vì chính ở những ngôi chùa- một không gian biểu trưng cho sự thanh khiết với mùi trầm hương và hoa trái… làm lòng người nhẹ tênh. Những ngày Tết, sáng nào người phụ nữ cũng dậy sớm, mọi cử động đều nhẹ nhàng, gắp mứt bánh vào những chén dĩa nhỏ xíu để cúng trà. Nhiều gia đình vẫn coi trọng việc cúng cơm cho ông bà ngày ba bữa, mồng Một cúng chay, ngày thường cúng mặn, trước cúng sau cấp. Mồng Ba Tết người ta làm mâm cơm cúng đưa ông bà. Ngày 9 tháng Giêng cúng trang ông, trang bà, cúng sao, cúng rằm tháng Giêng- Tết Nguyên tiêu.
Từng là kinh đô, nên của ngon vật lạ khắp nơi được quy tụ về Huế. Theo thời gian, nơi đây có chừng 1300 món ăn nấu theo lối Huế, bao gồm các món ăn cung đình và dân dã. Ngày thường, món ăn đã rất phong phú, mùa nào thức ấy. Ngày Tết càng là dịp để người phụ nữ Huế thể hiện sở trường “ Công- Dung- Ngôn- Hạnh” của mình- một tài sản vô giá của bao thế hệ bà mẹ Huế để lại và từ ngôi trường Nữ trung học Đồng Khánh Huế ngày trước trao cho qua môn học Nữ công gia chánh. Dù rất bận rộn, phụ nữ Huế thật hạnh phúc khi làm những món ngon ngày Tết để tiếp bạn bè và khách thăm. Ngoài những món Tết truyền thống như mứt gừng, mứt bí, mứt me, bánh tét- dưa món, phụ nữ Huế còn làm nhiều món ngon như: thịt bò kho riềng, thịt heo dầm giấm, dầm nước mắm, giò heo rút xương, tôm chua, mắm tôm vằm, chả lụa, chả thủ, nem, tré…, các món ăn kèm cho đỡ ngán những ngày Tết là vả, chuối chát, dưa cải chua cay; củ kiệu, hành hương, súp lơ, cà rốt… dầm chua ngọt…
Về cách làm tré - một trong những món ngon, thì thật thú vị và tài hoa biết bao, bà Trương Thị Bích, dâu của Tùng Thiện Vương- Miên Thẩm, nhạc mẫu của bà là phu nhân của Tùng Thiện Vương, đã dạy cho bà về cách nấu nướng: “Bắt chước bà gia thuở dọn xơi/ Làm thành thực phổ dạy cho người”. Trong tác phẩm “Thực phổ bách thiên” của mình, bà Trương Thị Bích đã bày vẽ dâu con nghệ thuật nấu trên một trăm món ăn bằng những bài thơ thất ngôn tứ tuyệt. Về món tré, bà viết mấy câu dễ nhớ, dễ làm: “Thịt này làm tré phải ram da/ Tỏi cựu riềng non xắt rối ra/ Thính muối mè đường đều trộn bóp/ Gói bằng lá ổi bó tranh tra”. Một món ngon khác được ưa chuộng trong ngày Tết là tôm chua ăn kèm với thịt heo phay- dưa giá hoặc khế, vả, rau thơm cho đỡ ngán, bà viết: “Tôm tươi phèn rửa hớt đầu đuôi/ Muối rượu say sưa để một hồi/ Ớt tỏi măng riềng xôi đủ vị/ Trộn đều gài chặt ấy là rồi”.
Cùng với các món mặn, phụ nữ Huế còn làm hàng chục loại bánh mứt thật ngon và đẹp như: bánh ngũ sắc, bánh măng mận, bánh phục linh, bánh phất, bánh lá vải, bánh bó, bánh gấc, bánh cây, bánh hạt sen, bánh in bột nếp, bột đậu xanh, bột bình tinh, bột đậu quyên, bánh thuẩn, bánh trái cây, bánh nóc chùa, bánh khô, bánh nổ…, mứt gừng xăm, mứt chanh, mứt cam, cam quật, mứt me, mứt táo, mứt thơm, mứt khế, mứt khoai… Với các thứ mứt bánh làm công phu và đẹp nên vừa ăn vừa thưởng thức mới tận hưởng hết hương vị của từng loại bánh trái.
Dành nhiều trí tuệ, tâm sức và thật công phu, nhưng bù lại là được giữ gìn những nét văn hóa Tết đặc sắc của miền Hương Ngự. Tết Huế ý vị, lắng sâu. Dẫu có đến bao nhiêu tuổi, dẫu có đi xa bao lâu, người Huế không thể không nhớ mùi vị cay, thơm rất đặc trưng của mứt gừng Huế mẹ làm trên bếp lửa hồng những ngày giáp Tết, không thể không nhớ mùi thơm của trầm hương và hoa trái giữa tiết trời lất phất mưa bay…
Hoàng Thị Thọ
Gửi bình luận