Hướng dẫn viên của núi rừng
Nhanh nhẹn, vui tính, am hiểu và rất yêu núi rừng - đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp gỡ, trò chuyện với K’Vâng - chàng cử nhân (người dân tộc Kơ Ho) trong chuyến tham quan Vườn quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà trên cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ …
K'Vàng (giữa) đang diễn giải về văn hóa dân tộc Kơ Ho cho du khách. Ảnh TDH
Dù gia đình khó khăn, nhưng từ nhỏ, K’Vâng rất hiếu học, ham tìm hiểu, khám phá và sớm có ý thức tự lập. Để có cơ hội vươn lên lập nghiệp không gì khác là phải học và học giỏi. Tốt nghiệp THPT năm 1999, K’Vâng thi đậu vào Khoa ngoại ngữ- Trường Đại học Đà Lạt và chọn học môn Anh văn. K’Vâng cho biết, văn hóa của các dân tộc bản địa Tây Nguyên - nói chung, của người Kơ Ho và Êđê nói riêng rất phong phú cần bảo tồn và phát triển, muốn vậy chính con em các dân tộc thiểu số (DTTS) phải là người trực tiếp gìn giữ, giới thiệu đến với mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Lý do chọn học ngành Anh văn của K’Vâng là để có thể tiếp xúc được với người nước ngoài, thông qua du lịch để phát triển văn hóa Việt, trong đó có văn hóa đặc trưng riêng của các DTTS Tây Nguyên…
Chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu và nhiều năm sống, làm việc gần gũi với núi rừng, nên từng cành cây, ngọn cỏ, từng con suối xuyên qua mỗi cánh rừng; từng loài chim, con thú, thậm chí từng loại côn trùng muỗi, vắt…K’Vâng am hiểu tường tận.
Khi VQG Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) đi vào hoạt động, K’Vâng xin chuyển về đây công tác. Công việc của K’Vâng và các thành viên được gọi là “diễn giải môi trường”. Ngoài vai trò hướng dẫn du khách tham quan, còn giới thiệu, phân tích, diễn giải… để du khách hiểu biết và trải nghiệm trong thế giới tự nhiên vốn ẩn chứa nhiều điều thú vị đối với con người và tuyên truyền bảo vệ môi trường. Muốn làm được điều này, đòi hỏi người “diễn giải môi trường” ngoài kỹ năng của một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, cần phải có kinh nghiệm, kiến thức rộng về đa dạng sinh học, về môi trường, phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc bản địa.
Ngoài ra, K’Vâng am hiểu và chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc và dẫn giải cho du khách hiểu biết về các điệu múa cồng chiêng, các lễ hội đa sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc tạo thêm sự yêu thích cho du khách…
Nhoẻn miệng cười rất tươi, chàng cử nhân tuổi đời 40 “mùa rẫy” này cho biết thêm, dù phải thường xuyên xa nhà nhưng K’Vâng thấy rất hạnh phúc bởi anh được sinh ra ở rừng, rất yêu núi rừng và bây giờ đang từng ngày trả nợ…núi rừng quê hương!
THANH DƯƠNG HỒNG
Gửi bình luận