Hưng Hà - vùng đất hào kiệt
Mẹ tôi quê làng Ốc, xã Thái Hưng, Hưng Hà, Thái Bình. Mãi tới năm 2016, tôi mới lần đầu về thăm quê Mẹ. Chỉ cách Hà Nội 130km, du lịch Hưng Hà gần như chưa phát triển mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế từ bề dày lịch sử, chiều rộng cảnh quan, chiều cao văn hóa và con người; từ các di tích, đình, đền, chùa đến phong tục, ẩm thực và trò chơi dân gian…
Đền thờ Nguyễn Thị Lộ
Vùng đất cổ Hưng Hà, đã sản sinh nhiều danh nhân, làm rạng rỡ lịch sử dân tộc; trong đó có 3 nữ kiệt lẫy lừng: Xã Đoan Hùng, có đền Tiên La, thờ Bát Nàn Vũ Thị Thục, văn võ song toàn. Bị Tô Định giết cha và chồng, ép làm vợ lẽ, bà dấy binh khởi nghĩa cùng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Xã Tân Lễ có “Nữ học sĩ linh từ” (Đền thiêng Nữ học sĩ), thờ Nguyễn Thị Lộ. Bà nổi tiếng xinh đẹp, thông minh, giỏi thơ văn của làng chiếu Hải Triều; là “Lê triều Lễ nghi học sĩ, Nữ lưu đệ nhất công thần”. Xã Canh Tân có đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, mẹ vua Lý Chiêu Hoàng. Bà đã làm cực tốt việc di tản hoàng gia khỏi kinh thành, thu gom nông cụ rèn đúc vũ khí, góp sức cùng Thái sư Trần Thủ Độ và quân dân Đại Việt, làm nên chiến thắng Nguyên Mông oanh liệt (1258).
Hưng Hà là nơi nhà Trần (1225 - 1400) khởi nghiệp, xây Hoàng thành, làm tôn miếu, dựng lăng tẩm. Xã Hồng Minh, từng là cứ địa kháng chiến của Lý Nam Đế (Lý Bôn 503 - 548) và Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục 524 - 571). Xã Liên Hiệp có Thái sư Trần Thủ Độ (1194 - 1264); Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung. Xã Canh Tân có hai anh em Thái phó Lưu Khánh Đàm, Thái úy Lưu Khánh Ba (nhà Lý). Xã Độc Lập có Tiến sỹ Lê Phú Thứ (1693 - 1783) và con trưởng là Bác học Lê Quý Đôn (1726 - 1784). Xã Tân Lễ có Tam nguyên Phạm Đôn Lễ (1457 - 1531), Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Xã Hòa Tiến có Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai (1692 - 1767). Xã Văn Cẩm có chí sỹ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929)...
Nơi đây có 667 di tích lịch sử văn hóa, trong đó khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần là di tích quốc gia đặc biệt; có 26 di tích di tích quốc gia; 89 di tích tỉnh; 138 đình, gần 170 đền, chùa; trên 30 phủ, đường; 25 lăng, văn chỉ… và hàng trăm lễ hội. Ấn tượng nhất là 8 Cụm di tích lịch sử văn hóa gồm - Đền Cổ Trai, đình Thọ Phú (xã Hồng Minh) - Lăng, mộ cụ Lê Phú Thứ và đền thờ Lê Quý Đôn (xã Độc Lập) - Nhà Trần và Hành cung Long Hưng gồm lăng, mộ, đền thờ các vua Trần (xã Tiến Đức) - Các đình đền, lăng thờ Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp) - Đền thờ Phạm Đôn Lễ và Đền thờ Nguyễn Thị Lộ (xã Tân Lễ)…
Đền Tiên La
Hiện Hưng Hà còn lưu giữ nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như thi cỗ cá, tế cá, kéo lửa nấu cơm cần, vật lầu, thả diều, đánh gậy, chọi gà, đi cầu kiều, chơi đu, pháo đất, bắt vịt, vật võ, cờ biển, cờ người, gói bánh chưng... Huyện có 53 làng và 4 xã nghề; gồm 20 làng dệt khăn, 21 làng dệt chiếu, 5 làng mây tre đan, 3 làng bún bánh, 2 làng mộc, 2 làng làm hương với giá trị sản xuất hàng ngàn tiỷ. Huyện cũng dẫn đầu tỉnh về năng suất lúa với những cánh đồng xanh mát hữu cơ, đan xen những vườn cây trái đặc sản như nhãn, cam đường, bưởi, cây cảnh…
Huyện Hưng Hà ba mặt giáp sông hồng , cùng hai phân lưu là sông Luộc và sông Trà Lý với mạng lưới các sông nhỏ và kênh rạch đến tận nhiều xã. Nếu biết cách làm, du lịch đường thủy từ Hà Nội và các tỉnh phụ cận về Hưng Hà sẽ là điểm nhấn độc đáo. Trong khi đó các làng xã nông thôn mới có thể làm du lịch cộng đồng. Ở đây có thế xây dựng những homestay thoáng đãng, chân quê, sạch đẹp, tiện nghii cạnh những di tích lịch sử, bờ sông, giữa các làng nghề hay đồng lúa, vườn cây...
Tôi mong có ngày mời bạn bè, cả trong và ngoài nước, về quê mẹ Hưng Hà ở hẳn vài tuần, tha hồ trải nghiệm mảnh đất hào kiệt và các vùng phụ cận với những khám phá bất ngờ, kỳ thú.
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giám đốc CBT Travel).
Gửi bình luận