Hòn ngọc Viễn Đông và Du lịch Tp.Hồ Chí Minh - Kỳ 2: Bệ phóng cho phát triển du lịch bền vững
>>Kỳ 1: Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông
Với những thuận lợi đặc biệt về vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, TP.HCM đã và đang nỗ lực hết mình trong công cuộc đổi mới và khẳng định vị thế trung tâm, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, trong hơn 30 năm đổi mới, TP.HCM liên tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao.
Sự đột phá mạnh mẽ
Trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, sự phát triển của TP.HCM được xác định là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Vùng KTTĐ phía Nam. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đối với cả nước thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, khoa học kỹ thuật của cả nước; ở mức đóng góp vào khoảng 1/5 GDP của cả nước và 1/3 tổng thu ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, TP.HCM còn có vị trí địa lý, kinh tế đặc biệt quan trọng như có hệ thống mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội đồng bộ; là nơi kết nối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không giữa 2 miền Đông và Tây Nam bộ với khu vực Đông Nam Á, liên thông vào mạng lưới chung về giao thông với Châu Á và thế giới.
Thành phố có tốc độ phát triển kinh tế hàng hoá, dịch vụ nhanh nhất và ổn định nhất. Quá trình biến đổi kinh tế ở TP.HCM sau 33 đổi mới kể từ năm 1986, là quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển đổi này đã khơi thông các nguồn lực và nhờ đó kinh tế TP.HCM đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP.
Với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, trong hơn 30 năm đổi mới, TP.HCM liên tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Nếu trong 10 năm đầu sau khi đất nước thống nhất (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của Thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì giai đoạn 1991 - 1995 tăng 12,6%; 1996 - 2000 tăng 10,1%; 2001 - 2005 tăng 11%; 2006 - 2010 tăng 11,4%. Trong năm 2018, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8,3%, tỷ trọng quy mô kinh tế Thành phố hiện chiếm 23,97% so với quy mô kinh tế cả nước. Trong năm 2019, TP.HCM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8-8,5%.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đã dẫn đến sự ra đời đời của nhiều trung tâm thương mại hiện đại như Saigon Trade Centre, Diamond Plaza, Saigon Square, Parkson Sài Gòn, Landmark 81… Ngoài ra, TP.HCM đã hình thành hệ thống 16 khu chế xuất - khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.000 ha.
Đô thị thông minh
Để đạt được những thành tựu về kinh tế thì yếu tố quan trọng góp phần phát triển, giúp TP.HCM đi đầu trong mọi lĩnh vực không chỉ có sự thuận lợi về vị trí địa lý, mà còn bởi sự năng động, giàu trí thức của những con người nơi đây. Thành phố đã tiến hành rất nhiều chương trình, vận động xây dựng đời sống văn hóa đô thị và đạt được những kết quả tích cực.
Lãnh đạo TP.HCM luôn quan tâm để triển khai đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
PGS.TS Võ Văn Sen đã đánh giá: “Sự trẻ trung, đa dạng, phóng khoáng, cởi mở… là những gì dễ nhận thấy trong tính cách người Nam Bộ nói chung, người Sài Gòn - TP.HCM nói riêng. Tính cách đó phần nào cũng thể hiện rõ nét trong cách thức làm kinh tế của người dân Thành phố: năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá… “Cá tính” đó, nếu biết phát huy đúng cách sẽ là một động lực lớn trong phát triển kinh tế của Thành phố”.
Có rất nhiều chương trình, cuộc vận động được tiến hành nhằm xây dựng đời sống văn hóa vật chất và tinh thần, cụ thể như: cuộc vận động thi đua “xây dựng thành phố xanh, sạch đẹp”, thực hiện “năm văn hóa, văn minh đô thị”. Hay cuộc vận động xây dựng “khu phố văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “chương trình ba giảm”, các chương trình đột phá...
Mặt khác, Thành phố cũng tập trung chỉnh trang hạ tầng đô thị, các tuyến đường, ngõ, công viên, tăng cường phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông đô thị.
Còn có những thành tựu đạt được rất ấn tượng có thể kể đến như: Có thêm những con đường khang trang, sạch đẹp. Rồi kênh Nhiêu Lộc nay đã sạch hơn, nhiều loại cá đã sinh sống được và đồng thời con kênh cũng trở thành tuyến giao thông, du lịch đường sông.
Rồi các công trình giao thông đã làm “đòn bẩy”, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đời sống của người dân Thành phố. Trong đó phải kể đến hầm đường bộ Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, đại lộ Võ Văn Kiệt, đại lộ Phạm Văn Đồng, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, metro Bến Thành - Suối Tiên, các cầu vượt thép...
Trong năm 2019, TP.HCM đã triển khai đề án xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh. Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân từng nhận định: “Thành phố muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo thành hạt nhân của sự phát triển công nghệ cao và trong tương lai trở thành đầu tàu để phát triển, là trung tâm thông minh nhất”.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy còn cho rằng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ngày càng tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, Thành phố cần tập trung khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nhất nguồn lực sáng tạo trong lực lượng lao động, đặc biệt là trong lực lượng lao động trẻ, trong công nhân, đội ngũ trí thức, doanh nhân và cán bộ, công chức.
Phong Vân – Cầm Trâm Thư
Gửi bình luận