Hòn ngọc Viễn Đông và Du lịch Tp. Hồ Chí Minh - Kỳ 5: Du lịch Tp. HCM chuyển mình ngoạn mục
>>Kỳ 1: Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông
>>Kỳ 2: Bệ phóng cho phát triển du lịch bền vững
>>Kỳ 3: Những điếm nhấn của Tp. HCM ngày nay
>>Kỳ 4: Kết quả bước đầu trong xây dựng đô thị thông minh
Từ ngày đất nước cất tiếng ca khải hoàn mừng giải phóng, Tp.HCM đi vào công cuộc khôi phục và phát triển mọi mặt, trong đó có du lịch. Chỉ sau một thời gian ngắn, ngành Du lịch của Tp.HCM đã phát triển và luôn dẫn đầu trong việc thu hút khách quốc tế đến.
Thành phố đóng góp bình quân từ 55% - 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chiếm gần 40% tổng thu du lịch cả nước
Bứt tốc
Du lịch Tp. HCM vốn là một ngành thuộc Sở Thương mại, cho đến năm 1993, khi có chủ trương, chính quyền TP mới thành lập Sở Du lịch. Và mãi đến năm 2005, lần đầu tiên, Tp. HCM mới tổ chức các sự kiện thường niên: Ngày hội Du lịch Tp. HCM vào tháng 5, Lễ hội Trái cây Nam bộ (tháng 6), Triển lãm Du lịch Quốc tế Tp. HCM - ITE HCMC (tháng 9), Liên hoan Món ngon các nước (tháng 12)…. Đến nay, các sự kiện này cũng đã tạo được tiếng vang và trở thành điểm nhân của du lịch địa phương này.
Dù vậy, đến năm 2010, ngành Du lịch Tp. HCM đã đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 20% so với năm 2009, đây cũng là con số kỷ lục của ngành Du lịch TP trong những năm trước đó. Tổng thu du lịch thời điểm này ước đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 17%, trong đó thu khách sạn nhà hàng ước đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 16% so cùng kỳ năm 2009, thu lữ hành ước đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ 2009.
Đến năm 2013, với hơn 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và trong nước đến, ngành Du lịch Tp. HCM đã đạt tổng thu khoảng 71.000 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD), chiếm 11,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn, đồng thời chiếm 45% tổng thu du lịch của cả nước.
Tiếp đó, năm 2014, tổng lượng khách quốc tế và trong nước đến Thành phố đạt 22 triệu lượt, mang lại tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) hơn 86.000 tỷ đồng.
Hiện nay, ngành Du lịch của Tp. HCM đang trở thành một trong ba ngành kinh tế dịch vụ hàng đầu
Và đến năm 2018, số lượng khách du lịch đến Tp. HCM ước đạt 36,5 triệu lượt người, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38% so với năm 2017, khách du lịch nội địa ước đạt 29 triệu lượt, tăng 16,07% so với năm 2017.
Năm 2019, ngành Du lịch Thành phố đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018; khách du lịch nội địa đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Tổng thu du lịch phấn đấu đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,5% so với năm 2018.
Thông tin từ Sở Du lịch Tp. HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Tp. HCM đã đón gần 4,3 triệu khách quốc tế, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2018, đạt 50,1% kế hoạch đề ra. Theo thống kê cho thấy, số lượng khách du lịch chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ...
Đóng góp nhiều
Hiện nay, ngành Du lịch của Tp. HCM đang trở thành một trong ba ngành kinh tế dịch vụ hàng đầu, với doanh thu tăng trưởng bình quân từ 15 đến 16%/năm, dự báo đạt 165 đến 170 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, đóng góp từ 11% trở lên trong cơ cấu GRDP của Thành phố… Thực tế, từ nhiều năm qua, du lịch đã đóng góp khoảng 11% vào cơ cấu GRDP của Thành phố.
Hoạt động du lịch đã góp phần định hình và phát triển nhiều ngành sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thành phố đóng góp bình quân từ 55% - 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và chiếm gần 40% tổng thu du lịch cả nước.
Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Việt Nam hiện nằm trong top 5 điểm đến hàng đầu khu vực ASEAN, top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới và Tp. HCM là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, trong danh sách 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của Việt Nam thì Tp. HCM cũng đã chiếm đến 7 doanh nghiệp.
Mỗi năm, Tp. HCM đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng lên hằng năm, đặc biệt tăng trưởng mạnh trong ba năm trở lại đây. Tính đến 2018, Thành phố có 5.418 HDV du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ, bao gồm 3.146 HDV du lịch quốc tế và 2.272 HDV du lịch nội địa.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng: “Sau nửa thế kỷ chiến tranh và nghèo đói, Tp. HCM đang gấp gáp bước về phía trước với những kế hoạch khổng lồ về mở rộng và phát triển đô thị, quyết tâm đạt lấy vị trí xứng tầm là một trong những đô thị hàng đầu của thế giới”. |
Phong Vân – Cầm Trâm Thư
Gửi bình luận