Hoài cổ chợ Bình Phước
Ở Sài Gòn không thiếu những ngôi chợ có tuổi đời khá cao, nhưng thọ đến hơn một thế kỷ có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chợ Bình Phước là một trong những ngôi chợ như vậy.
Chợ Bình Phước (theo trang Google Maps)
Nằm trên Quốc lộ 13 cũ, cách Quốc lộ 1A chừng vài mươi mét hướng về Sài Gòn, chợ Bình Phước có thể nói là trung tâm buôn bán của phường Hiệp Bình Phước và một số phường lân cận thuộc quận Thủ Đức, kể cả một số khu vực thuộc tỉnh Bình Dương. Chợ suốt ngày từ sáng sớm đến chiều tối, buôn bán gần đủ các mặt hàng như những chợ khác. Về đêm, những người bán lẻ còn bày hàng la liệt dọc theo hai bên lề đường trước mặt chợ, kéo dài đến 8-9 giờ tối mới thôi. Ngay trên đầu mặt tiền của ngôi chợ có khắc rõ năm thành lập: 1914. (Theo các bô lão địa phương thì chợ chính thức xây dựng từ năm 1911 chứ không phải năm 1914 như đã ghi trên mặt tiền).
Thời đó, Hiệp Bình Phước là một xã nghèo nằm cách xa thành phố, đất rộng người thưa, đường sá chưa được mở mang, phương tiện đi lại khó khăn, chưa có chợ búa. Muốn mua sắm hay bán phẩm vật thủ công phải tìm địa phương khác. Về Sài Gòn hoặc đi bộ hoặc đi bằng xe bò. Muốn qua An Phú Đông phải qua sông Sài Gòn bằng đò. Sinh cơ chủ yếu là nghề trồng mía, nấu đường. Những đám mía được trồng bạt ngàn bằng mồ hôi nước mắt của nông dân, đến mùa thu hoạch đều tập trung về các lò nấu đường nổi tiếng lúc bấy giờ như lò Sáu Lầm, Trương Lâm, Chín Mững, Hai Dì… để làm ra sản phẩm.
Lúc bấy giờ trong làng có Hội đồng vườn là một phú ông nổi tiếng giàu có, trong tay sở hữu nhiều cơ ngơi to lớn và một vùng đất rộng thênh thang có ý định kinh doanh ngôi chợ làng. Ông bỏ tiền ra xây một ngôi chợ ngay trên khu đất của mình để “lấy tiền chỗ” của những người muốn vào buôn bán, đặt tên là chợ Hiệp Bình. Chợ hoàn thành đưa vào hoạt động từ năm 1914. Những trụ cột của chợ được xây bằng gạch, kết dính bằng chất vôi trộn với mật đường vì chưa biết đến xi-măng là gì. Tiếp sau đó, dân làng đóng góp công của xây dựng được một ngôi võ để thờ Tiên sư ngay phía sau chợ để phục vụ cho tín ngưỡng địa phương.
Ban đầu, chợ chỉ buôn bán những mặt hàng khô, hàng thổ sản, rau cải… người bày bán hàng trên những tấm gỗ kê gần sát mặt đất có diện tích khoảng chừng một mét vuông. Người mua kẻ bán quanh quẩn cũng chỉ là nông dân trong xã. Sau mỗi buổi chợ, những tấm gỗ kê hàng ấy cũng được mang về nhà cùng với món hàng còn lại, ngoại trừ một thớt thịt heo duy nhất là chiếc bàn còn để nguyên tại chỗ. Chợ chỉ họp mỗi ngày vào buổi sáng, đến trưa chỉ còn là khu nhà trống. Dần dần về sau trẻ con trong làng dùng lòng chợ trống ấy đem banh vào đá với nhau. Trước sân chợ, người lớn thường chơi đá cầu.
Chợ Hiệp Bình càng ngày càng phát triển, những mặt hàng như yếu phẩm, người mua kẻ bán có đông hơn. Nhiều năm sau, chợ được đổi tên là Bình Phước nhưng khuôn viên, hình thức của chợ vẫn không thay đổi và cũng chỉ họp chợ vào mỗi buổi sáng.
Khi phương tiện giao thông đã thuận lợi, một số gánh hát cải lương đã tìm về thuê nhà lòng chợ để trình diễn hằng đêm. Họ dùng những tấm cót, tấm màn che kín quanh lòng chợ, bán vé cho người vào xem. Đến sáng, chợ vẫn họp mà màn che của gánh hát vẫn để nguyên như cũ. Nhưng dường như không có gánh hát nào về trình diễn tại chợ Bình Phước mà kết cuộc không phải gặp những khó khăn. Thu nhập không đủ cho việc chi phí nên bầu gánh đến nghệ sĩ, nhân viên đều phải lâm vào cảnh đói khát, rồi cuối cùng phải dọn gánh đi nơi khác trong sự thất vọng. Ông Nguyễn Văn Huệ, một lão ông với 79 tuổi đời đã về định cư nơi trước chợ Bình Phước khi xung quanh nhà chỉ còn cỏ dại, đã kể lại: Có hôm ông đã đứng ra mua chịu gạo giùm cho gánh hát để họ có cái ăn. Đến tối, đợi khi gánh hát bán được vé mới lấy tiền trả lại cho quán. Ông nói: “Sau ngày giải phóng, chỉ có gánh Long An là trụ được lâu nhất”.
Theo với đà phát triển chung, chợ Bình Phước họp thường xuyên đông đúc nhộn nhịp suốt ngày với gần đủ các mặt hàng được phân chia ổn định từng dãy sạp theo từng loại mặt hàng thật khang trang, theo đúng với phương châm: “Giữ vững chợ văn minh thương nghiệp”.
Hơn một thế kỷ đã qua, chợ Bình Phước vẫn đang tồn tại và phát triển, phục vụ tốt cho nhu cầu mua sắm ngày càng cao, nhưng vẫn không mất đi cái nét cổ kính và lòng ghi nhớ của người dân địa phương.
Đặng Trung Thành
Gửi bình luận