Hoa đỗ quyên trên đỉnh K’Lang
Đỗ quyên là loại thực vật, hoa đỗ quyên còn là nguyên liệu chữa trị được nhiều chứng bệnh. Được biết năm 2018 quần thể hoa đỗ quyên cổ thụ của huyện Tây Giang trên đỉnh núi Arung, thuộc địa phận thôn Abanh 2, xã Tr’Hy đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam có quyết định công nhận là Cây di sản Việt Nam. Việc phát hiện ra rừng đỗ quyên ở huyện Tây Giang, Quảng Nam với giá trị sinh học của quần thể này hoàn toàn có thể xây dựng thành một sản phẩm du lịch bản địa vô cùng hấp dẫn.
Gốc đỗ quyên cổ thụ rêu phong bám lấy thân và cho những chùm hoa trắng muốt
Những ngày cuối tháng 02/2020, tôi có dịp về công tác tại huyện miền núi cao Tây Giang, Quảng Nam. Sau bữa cơm thân mật, một người bạn ghé tai ”Chị đi chinh phục rừng đỗ quyên với em nhé - đẹp lắm”. Thế là sáng hôm sau, đúng 7h30’ chúng tôi có mặt tại nơi xuất phát. Trước khi hành quân vào rừng, tất cả thành viên đoàn đều có chung mục đích quyết tâm chinh phục “vương quốc đỗ quyên” mặc dù hoa đã cuối mùa. Ba lô trên vai, gậy Trường Sơn mỗi thành viên đều phải có. Nghe người dân bảo đi nhanh chỉ có 4 đến 6 tiếng đồng hồ, nhưng đồng hồ điểm 12 giờ trưa mới chỉ có tốp đầu đến đỉnh dốc giữa rừng ngồi chờ, phải 30-40 phút sau vài tốp nữa mới đến. Chúng tôi quây quần ăn vội nắm xôi rồi tiếp tục cuộc hành trình. Với tôi, tuy có thời gian công tác hơn 10 năm tại huyện (trước khi chia tách huyện Đông Giang và Tây Giang), chỉ nghe nói hoa đỗ quyên có trên đỉnh Phanxipăng ở dãy Hoàng Liên Sơn, nay nghe hoa đỗ quyên tại vùng đồi núi quê hương càng quyết tâm, dù biết trước đường rừng rất khó khăn...
Hoa đỗ quyên đỏ
Trước khi đến đích chừng một giờ, trước mắt chúng tôi hiện lên một cổng trời đỗ quyên vô cùng huyền bí và kỳ thú, cây to nhất có cành sum suê ngả bóng, thân rêu phủ thành nhiều hình thù lạ mắt đẹp đến nao lòng, tôi đoán chắc tuổi thọ của cây đã nhiều năm nhưng dưới những nách cây cành vẫn cho lá và nhiều cánh hoa đỗ quyên trắng muốt. Lâu lắm rồi mới có dịp băng rừng nhiều giờ, tuy mệt nhưng được tận mắt chiêm ngưỡng, hít hà mùi thơm từ đỗ quyên rừng là cảm giác tuyệt vời thật khó tả. Những nụ đỗ quyên vươn tỏa giữa đất trời rộng lớn như chào đón chúng tôi làm cho cả đoàn ai nấy đều thỏa thích, người thì leo nhẹ lên cành, người ngắm hoa ghi hình lưu lại khoảnh khắc thần tiên giữa núi rừng...
Hoa đỗ quyên đỏ hồng
Đến đỉnh K’Lang (vương quốc đỗ quyên) màn đêm của rừng cũng vừa buông xuống. Cả đoàn hối hả kiếm củi nấu cơm, dựng lều trại, mắc võng... Để nấu được bữa cơm tối cho cả đoàn, anh em phải băng rừng 15 đến 20 phút để lấy nước. Vất vả là thế nhưng ai nấy đều vui vì trong gần 10 tiếng lội bộ tất cả đều bình yên...
Hoa đỗ quyên giống hoa chanh
Ở độ cao trên 2000 mét so với mực nước biển, đêm về chỉ có gió, bên ánh lửa hồng chúng tôi cố chờ đến sáng để được anh em dẫn đường lên đỉnh cao nhất ngắm hoa. Sau một đêm chống chọi với cái lạnh 5-6 độ, khi mặt trời nhô lên đỉnh đồi, những tia nắng xuyên qua khe lá cũng là lúc ước mơ của mỗi người sắp trở thành hiện thực, theo chân người anh em chúng tôi lại lên được đỉnh cao nhất của vương quốc. Giữa bốn bề mênh mông lộng gió “núi lại núi xa gần toàn núi” một rừng đồi đỗ quyên nối tiếp, vươn mình trên đỉnh cao. Trước vẻ đẹp hoang sơ, chúng tôi ngắm nhìn, tận hưởng, không chỉ nhiều cây mà cả rừng cây bạt ngàn uốn lượn, cây nào cũng bọc kín rêu phong. Giữa đất trời thần tiên, một phút trôi qua là mỗi khoảnh khắc kỳ diệu. Chúng tôi hít thở, chiêm ngưỡng những cách hoa, nụ hoa đua nhau khoe sắc giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ... Điều lạ là một gốc đỗ quyên nhưng cho ra hoa với nhiều màu sắc như trắng, trắng pha hồng, đỏ... Ngạc nhiên hơn cùng là đỗ quyên nhưng có rất nhiều loài, có loài 5 cánh, loài 6 cánh, có hoa giống như hoa bưởi, hoa chanh, hoa mua, có hoa giống cả hoa quỳnh, hoa lan, muống biển, bàng vuông ở đảo xa ... Thú vị biết bao khi giữa đất trời mênh mông của dải Trường Sơn nơi cao nhất tuyến biên giới Việt - Lào lại lưu giữ nguyên vẹn một xứ sở loài hoa đẹp đến thế.
Những nụ đỗ quyên tím cuối mùa rơi ven rừng
Ánh Liên
Gửi bình luận