Hoa đào, hoa mai trong văn hóa tâm linh người Việt
Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam tạo nên vẻ đẹp cho dáng hình xứ sở của đất nước mỗi khi Xuân về. Không biết tự khi nào, hoa đào, hoa mai đã trở thành biểu tượng đặc trưng trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Hình ảnh hoa đào, hoa mai nở rộ trong những ngày đầu Xuân đã trở thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Đối với người Việt Nam có hai loài hoa được coi là biểu tượng thiêng liêng nhất trong ngày Tết, đó là hoa đào và hoa mai. Ở miền Bắc, với tiết trời Đông lạnh giá, một cành hoa đào đỏ thắm không chỉ làm cho nhà cửa thêm phần đẹp đẽ, ấm cúng mà màu đỏ còn được quan niệm là màu “hỉ tín” đem lại sự may mắn cho cả năm. Đào thường được trồng ở miền Bắc và có 4 giống: Giống “đào bích” có màu hồng thẫm, sai hoa là một loại đào dùng để cắm chơi trong các ngày Tết. “Đào phai” hoa màu hồng nhạt cũng sai hoa và thường được trồng để lấy quả. “Đào bạch” ít hoa hơn, tương đối khó trồng. Các loại đào này đều có hoa kép. Giống “đào thất thốn”, cây thấp nhỏ, hoa nhỏ và nhiều màu, màu đỏ thẫm thường được trồng vào chậu uốn thành các dạng thế. Đào Nhật Tân có hoa đẹp nhất là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho con người, trong dịp Tết Nguyên đán.
Còn ở miền Nam, hoa mai đã gắn bó với làng quê của vùng đất phương Nam từ lúc người dân biết khai hoang, lập đất để sinh sống, cây mai là hình ảnh tiêu biểu, tượng trưng của người quân tử với khí phách ngoan cường, trung nghĩa và thanh khiết. Mai hiên ngang, bản lĩnh kiên trung, vượt qua mùa Đông lạnh lẽo mặc dù chỉ còn những nhánh thân gầy guộc, tưởng như đã héo khô trong nắng chang của mỗi độ Hè về. Bỗng nhiên, một sớm mai thức dậy, chỉ qua một đêm thôi, từ tấm thân già nua ấy lại nảy lộc, đơm hoa, khoe sắc, kiêu hãnh, để dâng đời những bông mai vàng tươi thắm, ngát hương. Hoa mai vàng được nhân gian gọi là hoa của mùa Xuân và được xếp ở vị trí đầu tiên trong bộ “Tứ quý”: Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Hoa mai có nhiều loại: hoàng mai, bạch mai, thanh mai, hồng mai… Mai vàng là loài hoa tượng trưng cho sự ấm cúng, sự tự tin và năng động của con người thuộc vùng đất khai phá. Mai vàng thuộc họ hoàng mai, là một loại cây rừng. Cây mai vàng cũng rụng lá vào mùa Đông, thân, cành mềm mại hơn cành đào. Hoa mai mọc thành chùm và có cuống dài treo lơ lửng bên cành, ở nách vệt cuống lá và hơi thưa. Hoa màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Hoa mai không ngạt ngào sắc hương như những loài hoa khác nhưng đặc tính sống của loài mai biểu trưng cho những đức tính tốt đẹp, ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam. Hoa Mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa và cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, con người luôn được bình an, hạnh phúc và thành đạt. Và có lẽ vì thế mà hoa mai là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người dân Việt, đặc biệt là người phương Nam, chọn để thờ cúng và trang trí trong nhà vào dịp Tết Nguyên đán.
Đầu Xuân, trong 3 ngày Tết cổ truyền, dân tộc, hầu như nhà ai cũng đều có một cành đào hay cành mai, trên bàn thờ hay nơi phòng khách. Điều này cho thấy rằng hoa đào, hoa mai đã hòa nhập vào đời sống tinh thần mang tính tâm linh người Việt lúc nào không ai biết. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam thì thời nào cũng vậy hoa đào, hoa mai luôn là linh hồn của mùa Xuân dân tộc mỗi khi Xuân về Tết đến.
Hoàng Bích Hà, (Hội VHNT Khánh Hòa)
Gửi bình luận