Hòa Bình thu hút đầu tư vào du lịch khu vực Hang Kia - Pà Cò
Sáng 26/7, tại xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vào hai xã Hang Kia - Pà Cò. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung và nhiều doanh nghiệp du lịch trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết, 2 xã Hang Kia - Pà Cò nằm cách Hà Nội khoảng 180km, cách Mai Châu khoảng 30km. Với khí hậu trong lành, sự hoang sơ tự nhiên của vùng Hang Kia – Pà Cò, đời sống văn hóa Mông còn hiện hữu đậm đặc nơi đây sẽ là những lợi thế thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị hai xã Hang Kia – Pà Cò, lãnh đạo huyện Mai Châu tuyên truyền, vận động để chính quyền cùng người dân địa phương cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư nhằm tạo ra bộ mặt mới cho Hang Kia – Pà Cò trong hoạt động dịch vụ du lịch.
Bí thư Bùi Văn Tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL, TCDL tiếp tục hỗ trợ địa phương quảng bá hình ảnh, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối tour tuyến; giao UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế hỗ trợ xây dựng homestay, ngân hàng chính sách tham gia hỗ trợ người dân Hang Kia – Pà Cò vay vốn phát triển các loại hình du lịch. Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh, “tỉnh Hòa Bình cam kết đầu tư hạ tầng cơ sở để thu hút các nhà đầu tư; lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch vùng Hang Kia – Pà Cò, mong muốn các nhà đầu tư nghiên cứu các dự án du lịch tại khu vực Hang Kia – Pà Cò, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển toàn diện”.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung cho biết, TCDL sẽ trình Bộ VHTTDL đưa vào Chương trình Hành động quốc gia hàng năm việc tổ chức khảo sát, kết nối tour đưa khách du lịch về với Hang Kia - Pà Cò; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người dân khu vực này; tham gia tư vấn về công tác quản lý điểm đến... Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung kiến nghị tỉnh Hòa Bình cần có chính sách đặc thù dành riêng cho hai xã Hang Kia - Pà Cò về ưu đãi hỗ trợ, nguồn vốn, thuế, nhân lực, từ đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo cú huých thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương; bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp về giao thông, nguồn điện, nước sạch, viễn thông, biển chỉ dẫn du lịch… để nâng cao sức hấp dẫn, tiện ích cho khách du lịch khi đến với địa phương. Tỉnh Hòa Bình cũng cần lập quy hoạch chi tiết khu du lịch Hang Kia - Pà Cò làm cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển du lịch địa phương bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các doanh nghiệp tham gia đầu tư hình thành sản phẩm du lịch, công trình kiên trúc, hoạt động dịch vụ, trong đó cần lưu ý đảm bảo hài hòa với môi trường cảnh quan, phát huy bản sắc văn hóa bản địa. “Việc kinh doanh du lịch phải gắn liền với cư dân địa phương, đảm bảo người dân có việc làm, có thu nhập, được hưởng lợi từ du lịch. Yếu tố chủ đạo trong du lịch tại Hang Kia – Pà Cò phải khác những nơi khác, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái theo loại hình homestay là chủ yếu”, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cùng Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam VCTC
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Hòa Bình cùng các doanh nghiệp đã ký kết nhiều bản ghi nhớ hợp tác đầu tư; UBND tỉnh Hòa Bình cũng công bố hỗ trợ các hộ hoạt động homestay 25 triệu đồng/hộ; nhiều doanh nghiệp cũng trao tặng xuất quà cho các hộ nghèo thuộc hai xã Hang Kia – Pà Cò.
Đại diện UBND tỉnh Hòa Bình hỗ trợ các hộ hoạt động homestay ở Hang Kia - Pà Cò
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch và kết nối tour tuyến, tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến với Hòa Bình. Hiện Hòa Bình đã thu hút 59 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn trên 15.988 tỷ đồng.
Hang Kia - Pà Cò nổi tiếng nhất là nghề dệt thổ cẩm đã khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế. Ẩm thực của người Mông nơi đây cũng hết sức đặc sắc với rượu ngô, thắng cố, bánh dày, mèm mén, rau cải mèo,… Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều điểm có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, những con đường quanh co, uốn lượn men theo triền núi, những vườn mận, vườn đào, những đồi chè xanh ngút tầm mắt hay buổi chợ phiên rực rỡ sắc màu của đồng bào Mông. Khung cảnh nên thơ của núi rừng, không khí tinh sạch, không gian tĩnh lặng hòa cùng nhịp sống bình yên của những bản làng nhỏ giữa lưng chừng núi tạo nên sức hút du khách khám phá trải nghiệm. Bùi Thị Niềm |
Bá Phúc
Gửi bình luận