“Hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An” - Công trình độc đáo của cư dân Chăm pa trên đất Quảng Trị
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn tồn tại hệ thống công trình khai thác nước cổ trải dài trên địa bàn các xã Gio An, Gio Sơn, Gio Mỹ thuộc huyện Gio Linh. Mỗi công trình được gọi là GIẾNG. Trong số đó có 14 giếng cổ nằm trên địa bàn xã Gio An, huyện Gio Linh đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 08-2001/QÐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL). Số giếng cổ còn lại có gần 20 giếng nằm trên địa bàn các xã Gio An, Gio Sơn, Gio Mỹ. Đây đều là những công trình có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo, có giá trị như là sản phẩm văn hóa đặc sắc gắn liền với quá trình sinh sống qua nhiều thời kỳ lịch sử của các thế hệ người dân trên vùng đất Quảng Trị.
Giếng Đào, một trong những giếng cổ có cách xếp đá độc đáo
Công trình mang đặc trưng của Quảng Trị
Hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Gio An rất phong phú và đa dạng. Các công trình gồm nhiều thành phần cấu trúc phức tạp, liên hoàn, đa hình dạng, đa chức năng, nằm ven các triền đồi đất đỏ bazan để khai thác mạch nước nổi (phun lộ thiên hoặc phun ngầm). Hệ thống này bao gồm những công trình mang tính chất “dẫn thủy nhập điền”, được nhân dân địa phương quen gọi là giếng Bà, giếng Ông, giếng Lợi, giếng Gai, giếng Kình, giếng Ðào, giếng Côi, giếng Dưới, giếng Trạng, giếng Máng, giếng Tép, giếng Pheo...
Hệ thống này vận dụng triệt để những ưu điểm tự nhiên vốn có tại các bề mặt địa hình để tạo ra những cấu trúc, cách thức kỹ thuật phù hợp trên cơ sở sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ. Có loại cấu trúc gồm nhiều thành phần phức tạp, liên hoàn với nhau tạo thành hệ thống với sự có mặt của các bể lắng, máng/vòi dẫn, bể hứng, vũng, các mương phai bên cạnh những hồ chứa, đập nước cùng tham gia vào quá trình lưu thông dòng chảy (như giếng Ðào, giếng Trạng làng An Nha, giếng Máng làng Long Sơn, giếng Gái làng Thanh Khê...). Lại có loại chỉ cấu trúc đơn giản, gồm một, hai thành phần với bể và mương dẫn (như giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai làng Hảo Sơn...). Cũng có loại sử dụng nguyên các viên đá từ trong tự nhiên (đá ong, đá bazan) hoặc được chẻ ra theo cách chế tác giản đơn để xây những bể lắng, bể hứng, mương dẫn bằng kỹ thuật xếp, kè đá (các giếng đá xếp ở các làng Hảo Sơn, An Nha, An Hướng, Phường Xuân, Thanh Khê). Ngoài ra, lại có loại giếng được xây dựng công phu bằng cách xếp chồng những bi đá hình tròn được chế tác theo kỹ thuật đẽo, mài trình độ cao để tạo ra bể chứa (có lỗ thoát nước ra ngoài qua thành giếng), hay xếp những viên đá được chế tác bề mặt nhẵn dùng lát nền quanh thành giếng (như giếng Pheo, giếng Mội, giếng Ðàng, giếng Bôộng ở Tân Văn).
Nguồn nước mát lành chạy ra từ giếng cổ
Về mặt chức năng, tất cả các công trình này đều nhằm mục đích cung cấp nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cư dân địa phương. Cơ chế hoạt động của các công trình khai thác nước đều tuân thủ theo nguyên tắc: nước tự dâng, tự chảy. Tức là nước từ mạch ngầm tự dâng ở một bể chứa, sau đó đổ vào các bể, rãnh theo lối nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng cho rằng: Hệ thống giếng cổ ở Gio An là một loại hình công trình thủy lợi “có một chưa hai” rất đặc trưng của Quảng Trị.
Sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Đến nay, những công trình khai thác nước cùng với những hồ chứa, do biến thiên của lịch sử và trải qua thời gian nên có một số đã trở nên hoang phế. Nhưng vẫn còn một số khác còn khá nguyên trạng hoặc đã được cải tạo lại để phù hợp với nhu cầu hiện tại. Nhìn chung, chúng đều là những giếng có mạch nước trong vắt, rỉ ra từ lòng đất, dưới chân các triền đồi. Quanh năm suốt tháng, các giếng này không bao giờ cạn, nguồn nước vẫn luôn trong lành, mùa Đông thì ấm, mùa Hè lại mát.
Gần một thế kỷ qua, hệ thống các công trình khai thác nước cổ ở Gio An luôn là đối tượng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong, ngoài nước với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Bà M.Colani – học giả người Pháp và L.P. Cadière cho rằng, chủ nhân ngoại lai của các công trình khai thác nước ở Gio An là những người đi biển tới từ Indonesia hay hậu duệ của họ. Còn Tạ Chí Ðại Trường lại cho rằng, hệ thống thủy lợi ở Gio Linh là của những chiến tù (nhà Mạc) năm 1572. Cũng có quan điểm cho rằng, chủ nhân của hệ thống các công trình khai thác nước ở Gio An nói riêng, Gio Linh nói chung là thuộc về người bản địa cổ Chăm Pa từ những thế kỷ đầu công nguyên. Những năm thập niên cuối của thế kỷ XX, một số ý kiến đi đến kết luận: các cư dân của thời đại đá mới, sơ kỳ kim khí, sau đó là các tộc người thuộc nhóm Môn - Khơme kế thừa, rồi đến cư dân Chăm Pa (nhóm cư dân sót lại sau thế kỷ XI - XV) nâng cấp, hoàn thiện và cuối cùng là người Việt cải tạo, sử dụng - kể từ sau năm 1572 cho đến tận ngày nay. Dù cho chủ nhân là ai, hệ thống khai thác nước cổ ngày nay vẫn còn tồn tại và đang phát huy tác dụng tốt trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Gio Linh.
Người Chăm có mặt ở vùng đất Quảng Trị cũng như trên toàn bộ dải đất Bình - Trị - Thiên và miền Trung từ khá sớm. Họ đã biết làm nông nghiệp từ đầu công nguyên. Do phải ứng phó với hoàn cảnh nắng nóng khắc nghiệt nên họ rất giỏi trong việc dò tìm mạch nước để khai thác phục vụ cho sinh hoạt và trồng trọt. Cư dân Việt từ thế kỷ XI, XVI đã kế thừa và phát triển các thành tựu văn hóa này. Vì vậy, trải qua hàng thế kỷ, các công trình khai thác nước cổ ở Gio An liên tục được sáng tạo, phát triển để hoàn thiện, làm đa dạng, phong phú hơn cho các sản phẩm này ở những thời kỳ tiếp sau đó. Từ người Chăm đến người Việt, trải qua thời gian, hệ thống công trình khai thác nước cổ vùng Quảng Trị đã trở thành một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc, độc đáo, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của vùng đất mà họ gắn bó.
Đến với Gio An hôm nay, du khách sẽ được nghe kể về những huyền tích đi tìm mạch nước, kỹ thuật khai thác đá làm giếng của người xưa, đến dâng hương ở chùa Long Phước - nơi thờ phụng và ghi nhớ ân đức chúa Tiên Nguyễn Hoàng, trải nghiệm cùng cư dân địa phương khai thác, chế biến đặc sản rau xà lách xoong – rau “siêu sạch”, thưởng thức ẩm thực gà đồi, thịt thỏ, chim cu, rượu sâm, trà sâm, được đắm mình trong dòng nước ngầm mát lạnh đến tê người,… Chắc chắn rằng hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An sẽ trở thành điểm hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu và khám phá mỗi khi đến với Quảng Trị.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, di tích Hệ thống công trình khai thác nước cổ Gio An xứng đáng để được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. |
Trần Thị Mỹ Ngọc
Gửi bình luận