Hàng rào kẽm gai
...Một người lính “quốc gia” nói: “Eng Bôn, chiến xa trưởng của tụi tui đây, vốn gia nhập đoàn văn nghệ Thiên Nga ra chiến trường phục vụ liên quân theo mùa vụ, chiến dịch. Bỗng thượng cấp phát hiện eng ấy đã tốt nghiệp đại học văn khoa Sài Gòn, liền tóm lấy cho lên Đà Lạt tu nghiệp sĩ quan. Eng Bôn mới cưới vợ, không chịu được cảnh chia ly, liền bỏ trốn về Sài Gòn. Rồi bị bắt lại, bị phạt, chỉ cho làm chiến xa trưởng, ra chiến trường!”.
Vinh B41 nói: “Bên tôi, tiểu đội trưởng học khoa văn đại học tổng hợp Hà Nội. Bên các anh, chiến xa trưởng học đại học văn khoa Sài Gòn. Hãy nói chuyện văn chương hai chiến tuyến với nhau đi, thú vị đấy!”. “Rất hợp lý” - thượng sĩ Bôn nói - “Tui xin hỏi eng Hai Quynh: theo eng, những tác phẩm văn chương nào của thế giới là có giá trị nhất, eng đọc thấy hay nhất?”.
Quynh ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: “Đó là “Rô-mê-ô Giu-li-ét” của Sếchxpia, “Đôn-ki-hô-tê” của Xéc-văng-téc, “Lũ xuân” của Tuốc-ghê-nhiép, “Chiến tranh và hòa bình” và “Phục sinh” của Lép Tôn-xtôi, tập “Truyện Pê-téc-bua” của Gô-gôn, “Khóm phúc bồn tử” tập truyện ngắn của Tche-khốp, “Nhà thờ đức bà Paris” của Vichto Huygo, “Tấn trò đời” của Banzac, “Viên mỡ bò”- tập truyện ngắn Mô-pát-xăng…Văn học hiện đại thì “Ông già và biển cả”của Hê-minhuê, “Sông Đông êm đềm” của Sô-lô-khốp, “Một thời đã yêu và một thời đã sống” của Rơ-mác…”. “Khoan” - thượng sĩ Bôn ra hiệu cho Quynh dừng lại, rồi nói – “Sao tui chưa nghe nói Rơ-mác lại có tác phẩm ấy chớ?”. “Đấy là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Rơ-mác, mô tả tình yêu của một anh lính và một cô…”. “Thế thì rõ rồi” - Bôn nói – “Trong Sài Gòn dịch cuốn ấy với cái tên “Một thời để yêu và một thời để chết”.
Minh họa của Nguyễn Thành Long
Bôn tiếp: “Những tác phẩm eng hai vừa kể thì tụi tui đều thấy hay cả. Tôi được biết, trong thế chiến thứ hai, người chính ủy vĩ đại nhất của Hồng quân Liên Xô chính là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy!”.
“Thế còn âm nhạc, mấy eng thích những bài nào, hát cho tụi này nghe với?”. “Ca khúc hay thì bên tôi có nhiều” - Quynh nói – “Nhưng chúng tôi sẽ hát tặng các anh bài mà hàng ngày chúng tôi vẫn hát. Hát để nâng cao tinh thần chiến đấu. Nào, “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn”, hai ba!
Cả ba người lính trong tiểu đội cùng hát với Quynh. Nhưng đến đoạn “Ta đi nhằm phương xa gió ngàn đưa chân ta về quê hương…”thì thượng sĩ Bôn và bốn người lính “quốc gia” cũng vỗ tay lấy nhịp hát theo. Bài hát kết thúc, Quynh nói với họ: “Tôi rất ngạc nhiên vì các anh hát bài này thành thục y như những người lính bên chúng tôi!”. “Thì chúng tui vẫn mở ra-đi-ô nghe các eng hát mà!”- thượng sĩ Bôn nói. “Bây giờ đến lượt các anh hát tặng chúng tôi đi!” - tiểu đội trưởng Quynh đề nghị. “Chúng tui đã sẵn sàng” - thượng sĩ Bôn nói - “Nào các chiến hữu, ta hát bài “Qua cơn mê” nhé”.
Cả năm người lính “quốc gia” cùng cất lên một thứ giai điệu còn khá lạ tai với những người lính trong tiểu đội hỏa lực bên ta, nhưng họ hát say đắm như mê dụ lòng người: “Một mai qua cơn mê/ Xa cuộc đời bềnh bồng/ Tôi lại về bên em/ Ngày gió mưa không còn/ Nên đường dài thật dài/ Ta mặc tình rong chơi…”. Bài “Qua cơn mê” kết thúc, không cần chờ những người lính giải phóng yêu cầu, năm người lính “quốc gia” lại hát tiếp một bài rất đặc trưng của chiến tranh, bi kịch và đau thương: “Mặt trời đen, quá đen, đen như đời ta/ Đời hằng mong thoát đi thấy khung trời xa/ Cuộc đời như thú hoang lang thang về đêm…”.
Không ngờ những người lính từ hai bên chiến tuyến vừa mới cầm súng nã đạn vào nhau một mất một còn hồi đêm, bây giờ lại có cuộc hội ngộ hòa giải tự nguyện cảm động đến thế. Khoảnh khắc hòa bình đầu tiên còn khá mong manh, không được phép kéo dài. Lúc chia tay, dường như thượng sĩ Bôn có một niềm cảm mến với Quynh, anh ta bắt tay Quynh và nói nhỏ như vừa đủ để Quynh nghe thấy: “Xin eng Hai cho biết địa chỉ gia đình, mai đây non sông liền một dải, tui sẽ ra thăm?”. “Nhà tôi…không có bút thì ghi vào trí nhớ nhé” - Quynh nói – “Số nhà… phố…cách chợ Đồng Xuân ba trăm mét, cách cầu Long Biên năm trăm mét. Dễ tìm lắm…”.
***
Năm 1974, Quynh được chuyển sang quân chủng Hải quân, biên chế thuộc Lữ đoàn Hải quân đánh bộ. Chiến dịch 30 tháng 4 năm 1975, trong cương vị trung đội trưởng, Quynh cùng đơn vị theo con tàu “há mồm” tiến ra biển giải phóng Quần đảo Trường Sa. Ngày chiến thắng, Quynh được đưa về Quân y viện ở Sài Gòn điều trị vết thương. Mùa Thu 1976 xuất viện về đơn vị, Quynh nhận quyết định ra Nha Trang học trường sĩ quan. Vào một chiều chủ nhật, người phụ trách trạm khách của trường vào phòng ở báo tin Quynh có người nhà đến thăm. Anh trạm trưởng trạm khách còn đùa cợt: “Ở chiến trường ác liệt là thế, ông anh có phép thần hay sao mà kiếm được một cô gái miền Nam xinh đẹp thế?”. Quái, mình đâu có thân quen cô gái nào như vậy? Quynh bước vào trạm khách. Một thiếu phụ đang ngồi trên chiếc ghế đôn, liền đứng dậy ra cửa đón Quynh. Cô ta có một vẻ đẹp tha thướt, mặn mà, đặc trưng của con gái phương Nam. “Thưa eng” - cô ta nói – “eng có phải là eng Hai Quynh, quê Hà Nội không ạ?”. “Phải, chính là tôi” - Quynh đáp – “Còn chị?”. “Em là Sáu Hương, ở Gò Vấp, vợ của eng Tư Bôn, eng còn nhớ ảnh không ạ?”. “Tôi nhớ rồi” - Quynh đáp – “Chị xinh đẹp thế hèn nào anh Bôn đã được cho lên Đà Lạt học trường sĩ quan còn bỏ trốn về Sài Gòn với chị, để rồi bị trừng phạt, chỉ được giữ chức chiến xa trưởng, ra chiến trường choảng nhau với tụi tôi…”. “Ôi, eng hai cũng biết cả chuyện đó nữa” - trên môi người thiếu phụ trẻ thoáng một nét cười cảm động. “Chúng tôi chỉ gặp nhau ít phút nhưng cũng đủ cho hai bên không hiểu sai về nhau” - Quynh nói – “Hôm nay chị Sáu Hương ra tận đây tìm tôi hẳn phải có việc gì?”. “ Cũng là việc của eng Tư Bôn nhà em thôi” - Sáu Hương nói – “ Sau giải phóng eng ấy có lệnh gọi tập trung học tập cải tạo. Suốt hai năm qua, eng Tư được cán bộ trại khen có tinh thần cải tạo tốt, tích cực tham gia những chương trình văn nghệ của trại. Nhưng sau Tết vừa qua, có người phản ánh, eng Tư Bôn là tên chiến xa trưởng khát máu, vào lúc hiệp định Pa-ri có hiệu lực rồi, eng còn cho xe cơ giới húc đổ hàng rào kẽm gai tấn công sang phần đất của quân giải phóng. Tư Bôn muốn eng Quynh viết mấy lời làm chứng cho ảnh, để cán bộ trại không hiểu sai về ảnh”...
Quynh sang phòng trạm trưởng xin một tờ giấy “phê-đúp”, trở lại ngồi trước Sáu Hương, anh viết chứng thực bằng những nét chữ ngay ngắn, rất đẹp.
“Kính gửi ban lãnh đạo trại Yên Hạ. Tôi là Nguyễn Như Quynh. Thượng sĩ. Học viên hệ Chính trị viên đại đội, Trường Sĩ quan Hải quân. Tôi xác nhận…
Sáu Hương nhận tờ giấy, “cảm động trào nước mắt, nói lời cảm ơn rồi bước sấp bước ngửa ra đường cái vẫy xe ngược về hướng trại Yên Hạ.
***
Câu chuyện họ ôn lại đến đấy cũng là lúc bữa ăn cũng vừa xong. Bà Nga bưng mâm đi. Quynh hỏi Bôn: “Cái mảnh giấy xác nhận của tôi hồi ấy có giá trị gì không?”. “Có chớ” - Tư Bôn đáp – “Ban lãnh đạo trại đã đối xử với tui khác hẳn. Tui được ra trại trước thời hạn. Sau này tui sang Mỹ định cư theo diện HO cũng rất thuận lợi. Zậy còn eng, công việc sau đấy của eng ra sao?”. “Tôi ra trường về đơn vị một thời gian, vết thương tái phát, không còn đủ sức khỏe làm một sĩ quan chỉ huy, tôi được trở về trường đại học, học tiếp. Ra trường tôi được phân công về dạy môn văn một trường cấp ba trong thành phố này. Bây giờ thì tôi đã nghỉ hưu”. “Eng Hai hài lòng về cuộc sống của mình chứ?” - Bôn hỏi. “Những người lính đi qua cơn bão chiến tranh như anh và tôi, sống được đến hôm nay là một may mắn lớn rồi, còn đòi hỏi gì thêm nữa?” - Quynh nói. “Hẳn eng Hai đã đọc kĩ sách Phật nên mới có cách nghĩ ấy” - Tư Bôn nói – “Tui sẽ học eng Hai ở cách nghĩ này, như thế sẽ dễ sống hơn…”.
Lúc chia tay, Tư Bôn nắm chặt tay Quynh nói: “Mấy hôm nữa ban nhạc hải ngoại của tụi tui ra Hà Nội diễn, sẽ có giấy mời eng Hai, eng gắng đi nhé!”. “Xin cám ơn trước. Tôi rất thích xem ca nhạc!”- Quynh nói, rồi tiễn Tư Bôn ra cửa.
Hết!
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
Gửi bình luận