Hải Phòng lập lại trật tự đội tàu du lịch biển , kỳ 2
Kỳ 2: Bài học từ sự cố tàu Hoàng Phương
Từ sự cố tàu Hoàng Phương 16 (HP 4686) cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho khách Úc như thời gian qua qua báo chí đã phản ánh, cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, cần phải được khắc phục.
Tàu Hoàng Phương kém chất lượng đã bị đình chỉ hoạt động
Thiếu quy chế quản lý tàu
Ông Phạm Văn Luân, Chánh Thanh tra Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: Tại vịnh Cát Bà, hiện có 111 tàu hoạt động, trong đó có 47 tàu đủ tiêu chuẩn neo đậu qua đêm trên vịnh với 14 tàu vỏ sắt và 33 tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, việc quản lý phương tiện và hoạt động lưu trú chưa chặt chẽ vì thiếu quy chế, dẫn đến thất thu ngân sách và khó kiểm soát dịch vụ, giá. Bên cạnh đó, thiết bị hàng hải một số tàu còn thiếu; trình độ nghiệp vụ cũng như giao tiếp ứng xử của đội ngũ phục vụ trên tàu cần phải được đào tạo lại.
Ông Nguyễn Minh Vũ -Trưởng Phòng Đăng kiểm phương tiện thủy (Sở GTVT) nhận định: Việc tàu Hoàng Phương thực tế vẫn còn hạn hoạt động (trong đăng kiểm), nhưng chất lượng thì đã giảm do chuyển đổi chủ sở hữu và chủ sở hữu chưa có phương cách hoán cải hoặc nâng cấp theo quy định, nên đã để xảy ra sự vụ vừa qua. Ví dụ, một con tàu có thời hạn kiểm định là 20 năm, tàu mới hoạt động được 16 năm, còn 4 năm nữa, nhưng trong 4 năm này cần phải bảo trì, nâng cấp cho đúng niên hạn và thông báo việc di chuyển sang tên hay vùng hoạt động của con tàu cho cấp quản lý được biết. Cá nhân mua tàu, phải sang tên chủ sở hữu, để được kinh doanh vận tải, chịu sự kiểm định thực tế tàu và chủ tàu chịu trách nhiệm bảo đảm tình trạng an toàn kỹ thuật vệ sinh môi trường giữa hai kỳ đăng kiểm. Qua sự cố tàu Hoàng Phương cũng là dịp để ngành Du lịch địa phương thay đổi cách nghĩ, cách làm, xem lại tổng thể các hoạt động dịch vụ du lịch xem khâu nào còn yếu thì phải điều chỉnh, bổ sung.
Điều đáng nói nữa, công tác quản lý tàu du lịch trên tuyến đường thủy nội địa của Hải Phòng, chưa có sự quản lý hay quy chế rõ ràng. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đã có cả một quy chế tổng thể về các hoạt động đối với tàu phục vụ du lịch cũng như các bến tàu thủy nội địa.
Giải pháp nào?
Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đề xuất với UBND TP: Sớm xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên tuyến đường thủy nội địa cho phù hợp với tình hình thực tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cần sớm ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; Đề án quy hoạch, quản lý địa điểm neo đậu cho tàu thủy lưu trú du lịch qua đêm trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và hướng dẫn mức thu giá dịch vụ tàu lưu trú ngủ đêm trên vịnh Cát Bà.
Đồng thời, thành phố cần sớm phân định rõ địa giới hành chính, phân công trách nhiệm quản lý tàu tham quan du lịch, lưu trú ngủ đêm tại khu vực giáp ranh Hải Phòng – Quảng Ninh. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung biên chế cho Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa Hải Phòng để làm tốt công tác quản lý hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
Rõ ràng, du lịch Hải Phòng đang rất cần một sự chung tay để thiết lập lại trật tự đội tàu du lịch biển, để hoạt động du lịch biển đi vào nền nếp, chuyên nghiệp. Chúng tôi cho rằng, Sở Du lịch Hải Phòng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải thành phố trong việc tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ trên tàu du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động tàu thủy trên biển; đẩy mạnh hoạt động quản lý lữ hành, xử lý nghiêm những vi phạm. Đối với những địa bàn giáp ranh Quảng Ninh, cần thiết có sự phối hợp nghiệp vụ thường xuyên với Sở Du lịch tỉnh bạn để luôn chủ động, xử lý những tình huống phát sinh.
Lê Hiệp
Gửi bình luận