Hải Dương: “Thanh Mai Viên thông Tháp bi” được công nhận là bảo vật quốc gia
Ngày 28/3, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ khai hội chùa Thanh Mai, tưởng niệm 687 năm ngày viên tịch của Pháp Loa- Đệ nhị Thánh tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bia “Thanh Mai Viên thông Tháp bi” là bảo vật quốc gia.
Chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là di tích LSVH-danh thắng nổi tiếng, được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1992; một trong những chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa...Ngài có thế danh là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7- 5-1284, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách (nay thuộc xã Ái Quốc-TP Hải Dương). Ông được chính Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông giác ngộ, rồi tu hành đắc đạo và ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Sau trở thành vị Tổ thứ 2 của thiền phái này…
Toàn cảnh chùa Thanh Mai
Cuộc đời của Pháp Loa đã làm nên sự nghiệp lớn. Ông đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15.000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai, Vĩnh Nghiêm và viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này đều trở thành di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Thánh tổ Pháp Loa viên tịch tại chùa Quỳnh Lâm ngày 3/3 năm Canh Ngọ (1330), trụ thế 46 năm. Theo di chúc, xá lỵ của ngài được đưa về đặt trong tháp Viên Thông, sau chùa Thanh Mai. Ngày viên tịch của Pháp Loa, từ xưa đến nay, trở thành hội chùa, được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 3/3 âm lịch hằng năm, thu hút hàng vạn tăng ni phật tử và du khách thập phương về dâng hương và vãng cảnh.
Chùa Thanh Mai khởi dựng từ thời Trần. Trải qua gần 7 thế kỷ tồn tại, các kiến trúc của ngôi chùa bị thiên nhiên tàn phá. Song qua nhiều lần được quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, đến nay có quy mô khá bề thế, giữa lưng chừng dãy núi Tam Ban, nơi có bạt ngàn rừng phong quý hiếm tồn tại ở Việt Nam…
Tại chùa Thanh Mai, hiện còn bảo tồn được một số ngôi tháp, trong đó có Viên Thông Bảo Tháp nơi đặt xá lỵ của Pháp Loa, cùng các tấm bia thời Trần và Lê. Trong 7 văn bia thì Thanh Mai Viên thông Tháp bi là tấm bia quý giá nhất, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362). Hai mặt bia khắc khoảng 5000 chữ Nho. Từ những thông tin có được trên tấm bia quý giá này, hậu thế mới được biết đầy đủ, chi tiết về thân thế sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa qua các mốc thời gian, những sự kiện nổi bật trong quá trình hành đạo; công lao sự nghiệp của Thánh tổ đối với Trúc Lâm Thiền tông…
Ông Phạm Định Phong-Phó cục trưởng Cục DSVH(Bố VHTTDL) thừa ủy quyền, trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhân Bia “ Thanh Mai Viên thông Tháp bi” là Bảo vật Quốc gia.
Cũng theo văn bia, biết được số người quy y học đạo của Quốc sư Pháp Loa tới hàng vạn. Trong đó đắc pháp khoảng 30 người. Biết được Quốc sư chủ trì xây dựng được khoảng 800 tự viện, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Quỳnh Lâm; dựng 2 đài giảng kinh, xây 5 tòa bảo tháp; đúc 1.300 tượng Phật lớn nhỏ bằng đồng. Đặc biệt Pháp Loa đã chủ trì dịch và cho khắc ván in bộ kinh Đại Tạng từ chữ Phạn nổi tiếng, còn lưu tại chùa Vĩnh Nghiêm tới ngày nay...Ngoài ra, nội dung Văn bia còn cung cấp thông tin về tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và về các vị Tổ của Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử những hoạt động của Tam tổ Trúc Lâm; năm, tháng xây dựng những công trình tôn giáo lớn lúc bấy giờ…
Với những giá trị đặc biệt, ngày 22/12/2016 “Thanh Mai Viên thông Tháp bi” đã được Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia. Đồng thời, Yên Tử -Thanh Mai -Côn Sơn- và Vĩnh Nghiêm đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Bài và ảnh: Hồng Lụa
Gửi bình luận