Hà Tĩnh: Gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống ở Trung Lương
Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), mảnh đất nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh 99 ngọn trập trùng, cận kề con sông Lam xanh huyền thoại. Nơi đây từng lưu truyền rất nhiều huyền thoại trong dân gian, trong đó có sự tích về ông Đùng trên núi Hồng Lĩnh - vị thần khai sinh nghề rèn trứ danh tại Trung Lương. Ngày nay, làng rèn Trung Lương là một địa chỉ hàng đầu ở Hà Tĩnh phát triển nghề rèn truyền thống.
Người làm nghề rèn đòi hỏi phải cẩn thận, chịu khó
Trung Lương, các xưởng sản xuất lớn, nhỏ, hộ gia đình san sát nhau, quy tụ tạo nên một cụm tiểu thủ công nghiệp. Từ xa đã có thể nghe rõ mồn một âm thanh koong keeng làng nghề. Tiếng rèn sắt nơi đây trở thành thói quen, thành âm thanh cuộc sống không thể thay thế.
Nghề rèn sản sinh trong lòng Trung Lương tự thuở xưa, bắt đầu từ những vật dụng cần thiết nhất với người nông dân như cái liềm, cái dao, cái búa... Cũng như bất kì làng nghề nào khác, Trung Lương từng đối diện với nguy cơ mai một. Một nghề lao động cực nhọc, ngày tay búa gò sắt,“lúc cắt, hàn, chỉ lỡ trật tay một cái dao có thể cắt đứt ngón tay của người thợ bất kỳ lúc nào”(thợ rèn Nguyễn Văn Lương nói), cộng với thu nhập thấp khiến cho làng nghề Trung Lương chao đảo. Anh Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty TNHH Núi Hồng nhớ lại: “Thời đó, tôi đang làm nhỏ lẻ ở dưới làng. Bởi vị trí chật hẹp, giao thông đi lại khó khăn, nên số lượng khách không nhiều. Tôi yêu nghề và muốn làm nhiều hơn nhưng rất khó. Tôi từng nghĩ sẽ bỏ nghề”. Đó là câu chuyện của 20 năm trước, còn bây giờ, trở về Trung Lương, chúng ta sẽ phải kể một câu chuyện khác. Câu chuyện đổi thay trù phú, giàu có của một vùng quê xứ Nghệ, đi lên từ chính nghề rèn cực nhọc đó.
Đáng nói, quá trình gìn giữ làng nghề truyền thống ở Trung Lương nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của tỉnh Hà Tĩnh. Với chính sách hỗ trợ 100% chi phí đào tạo tại các làng nghề rèn chuyên nghiệp như Thái Bình, Nam Định, Huế, tay nghề của thợ rèn Trung Lương càng ngày càng tiến bộ, làm nên các sản phẩm chất lượng.
Tiếng lành đồn xa, khách đặt hàng cho Trung Lương ngày một nhiều lên. Nơi đây trở thành địa chỉ số 1 tại Hà Tĩnh làm nghề rèn. Một số hộ gia đình phát triển trở thành doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút lao động. Thu nhập bình quân của một người lao động khoảng từ 12 - 15 triệu/ tháng. Người dân phấn khởi làm nghề, chủ động đề nghị chính quyền mở rộng diện tích để phát triển nghề rèn với quy mô lớn hơn nữa. Đáp ứng mong muốn hợp tình, hợp lý đó, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ra Nghị quyết về mở rộng diện tích dự án làng nghề tiểu thủ công nghiệp Trung Lương.
Nghề rèn phát triển kéo theo thương mại được mở rộng. Một số hộ đem sản phẩm của làng nghề đi bán tại các chợ, như chợ Vinh, chợ Thị xã Hồng Lĩnh, chợ Nhe, chợ Thượng… Họ đưa hàng vào Nam ra Bắc, thậm chí xuất khẩu sang các nước bạn như Lào, Thái Lan. Ông Kiều Minh Nhật, một thợ rèn kì cựu nhất phường, chia sẻ: “Làng nghề truyền thống có từ mấy trăm năm. Chúng tôi là thế hệ đời thứ 4 của làng rèn đến nay, tôi cũng đã truyền được nghề cho con. Tôi nhìn thấy nghề rèn ở địa phương phát triển mà mừng”.
Từ một làng nghề truyền thống hàng trăm năm, đến nay Trung Lương đang trên đà phát triển cùng nhịp đập của xã hội với nhiều bước chuyển mình mới mẻ.
Nguyễn Thúy Nga
Gửi bình luận