Hà Nội: Thanh Oai hướng tới phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Thanh Oai (Hà Nội) được biết đến là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Với tiềm năng sẵn có: 73 di tích cấp thành phố, 68 di tích cấp quốc gia đã được Nhà nước công nhận; nhiều làng nghề truyền thống độc đáo; cảnh quan xanh tươi, yên bình… Thanh Oai đang từng bước hướng tới phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm cho huyện và góp phần vào sự phát triển chung của du lịch Thủ đô.
Thuyết minh viên giới thiệu về nghề làm nón Chuông
Là vùng đất cổ có truyền thống hiếu học, Thanh Oai là nơi sinh ra nhiều nhà khoa bảng, nhà văn hóa nổi tiếng như lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực, Tiến sĩ Phạm Bá Ký, Đại thi hào Nguyễn Du, Đệ nhất Tam nguyên Vũ Phạm Hàm…; Tổ nghề xiếc thú Tạ Duy Hiển…; Đình Nội (xã Bình Minh) thờ Thánh tổ Lạc Long Quân với lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và giá tượng Lạc Long Quân là bảo vật quốc gia; chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) là một trong những chùa cổ nhất Hà Nội thờ thánh Bình An, cùng nhiều lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đây là cơ sở để huyện xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh và du lịch di sản hấp dẫn.
Hiện tại, Thanh Oai có 51 làng nghề được công nhận, nhiều làng nghề nổi tiếng cả nước như kim khí, điêu khắc xã Thanh Thùy; nón xã Phương Trung; tạc tượng, đồ thờ, lồng chim xã Dân Hòa… Thanh Oai còn có khu du lịch sinh thái 12 con giáp xã Cao Dương, khu đầm Thanh Cao – Cao Viên, vườn cây ăn quả các xã ven sông Đáy; các sản vật địa phương trứ danh như tương – miến Cự Đà, bánh đúc Kim Bài, giò chả Tân Ước, bánh chay Bình Minh, gạo Bồ Nâu, rượu làng Mai. Đặc biệt, Thanh Oai vẫn còn duy trì rất tốt những phiên chợ quê trong đó nổi bật là phiên chợ làng Chuông với 6 phiên chính và 12 phiên xép hàng tháng. Đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc được du khách đặc biệt yêu thích.
Để phát triển du lịch địa phương, Huyện ủy Thanh Oai đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Thanh Oai giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo. Lãnh đạo huyện cũng đã xác định 2 tuyến du lịch chính của địa phương gồm Cự Khê – Thanh Thùy – Tam Hưng – Bình Minh – Cao Viên – Thanh Cao; Tân Ước – Hồng Dương – Dân Hòa – Phương Trung – Xuân Dương – Cao Dương. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp cho biết, huyện Thanh Oai đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền; chỉ đạo phòng Văn hóa – Thông tin và các đơn vị chức năng trong huyện xây dựng phóng sự giới thiệu về các làng nghề, ẩm thực tiêu biểu của huyện; kết hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí Trung ương và Hà Nội quảng bá hình ảnh, truyền thống văn hóa, tiềm năng du lịch của Thanh Oai đến với du khách trong và ngoài nước.
Người dân nhộn nhịp mua bán nguyên phụ liệu làm nón tại phiên chợ làng Chuông từ sáng sớm
Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến hay, huyện Thanh Oai đã tu bổ nhiều di tích như đình Nội, chùa Bối Khê; chỉ đạo lập quy hoạch bảo tồn, bảo vệ các di tích trên địa bàn huyện; cải tạo hạ tầng giao thông, xây dựng bãi đỗ xe tại các điểm du lịch; cử cán bộ tham gia lớp tập huấn kỹ năng thuyết minh du lịch, nghiệp vụ quản lý nhà nước và xây dựng sản phẩm du lịch, kỹ năng xúc tiến du lịch; tham gia hội nghị triển khai tổng đài tư vấn, giải đáp thông tin du lịch Hà Nội và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch do Sở Du lịch và các đơn vị chức năng của TP Hà Nội tổ chức…
Hướng tới phát triển du lịch trở thành mục tiêu kinh tế trọng điểm là định hướng vô cùng đúng đắn góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Mô hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng tại Thanh Oai đang dần được hình thành và hứa hẹn sẽ là điểm đến được du khách yêu thích.
Thanh Minh
Gửi bình luận