Hà Nội: Kiên quyết với nạn “chặt chém”
Quận Hoàn Kiếm là địa bàn trọng điểm đón khách du lịch quốc tế của Hà Nội. Để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách, thời gian qua, Công an quận Hoàn kiếm đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh chống hành vi xâm hại du khách.
Lực lượng Công an tuần tra khu vực hồ Hoàn Kiếm (ảnh minh họa)
Nỗ lực chống xâm hại du khách
Trao đổi với phóng viên Báo Du lịch, Đội trưởng Đội Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm Tống Đăng Công cho biết: Do điều kiện đặc thù, trên địa bàn quận có nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm nhằm phục vụ công tác du lịch như: lưu trú, nhà hàng, dịch vụ đưa đón, bán hàng lưu niệm… Từ đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng môi trường đông khách quốc tế, sự nhẹ dạ, thiếu thông tin và bất đồng ngôn ngữ của du khách để trà trộn trục lợi, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch quận Hoàn Kiếm và Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những đối tượng này thường núp bóng các hoạt động đánh giày, bán hàng rong, taxi, xích lô… có hành vi chèo kéo, chặt chém, lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của du khách. Phần đông các đối tượng này hoạt động rất tinh vi, có nhiều chiêu trò, lẩn tránh được sự tuần tra, truy quét của các cơ quan chức năng và thường nhắm vào du khách quốc tế.
Nói về những nỗ lực của Công an quận Hoàn Kiếm trong việc bảo đảm an ninh an toàn cho du khách, ông Tống Đăng Công chia sẻ: “Để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, môi trường du lịch và chống xâm hại du khách, ngày 22/6/2013, công an quận Hoàn Kiếm đã có kế hoạch số 250 chuyên đề về phòng chống tội phạm xâm phạm tính mạng tài sản du khách nước ngoài. Công an quận cũng đã ban hành kế hoạch số 102 ngày 12/8/2017 nhằm phòng ngừa, đấu tranh toàn diện với những diễn biến phức tạp có yếu tố nước ngoài; theo đó kế hoạch 102 tập trung vào phòng ngừa đấu tranh các loại tội phạm xâm hại người nước ngoài và phòng ngừa đấu tranh đối với các đối tượng là người nước ngoài lợi dụng con đường du lịch vào Việt Nam để hoạt động phạm tội.”
Đảm bảo môi trường du lịch
Được biết, việc thực hiện kế hoạch 250 đã thu được nhiều kết quả, các tình trạng xâm phạm tính mạng tài sản con người được kiểm soát, điều tra xử lý nghiêm theo pháp luật; việc thực hiện kế hoạch 102 thời gian qua cũng đã bắt giữ, xử lý nhiều ổ nhóm đối tượng người nước ngoài đến địa bàn quận Hoàn Kiếm để hoạt động phạm tội, chủ yếu là trộm cắp và lừa đảo; điều tra xử lý nhiều đối tượng trộm cắp, cướp giật du khách nước ngoài; đã điều tra, xử lý nhiều trường hợp lợi dụng các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch đối có hành vi chèo kéo ép mua, ép giá, hoặc có những thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của du khách. Nổi cộm nhất là vụ việc trả tiền thừa cho khách bằng tiền âm phủ; Công an quận Hoàn Kiếm đã điều tra, làm rõ, chuyển cho cơ quan thẩm quyền xử lý theo pháp luật.
Công an quận Hoàn Kiếm đã thường xuyên phối hợp với công an các phường thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm, xâm hại đến sức khỏe, quyền lợi của người dân và du khách. Do địa bàn rộng, các đối tượng lợi dụng lúc cao điểm, kẽ hở khi lực lượng chức năng tập trung xử lý các vấn đề khác để tiến hành hoạt động, nên có lúc vẫn để xảy ra phạm pháp. Dù vậy, công an quận vẫn nỗ lực, quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống các hành vi xâm phạm tài sản người nước ngoài, chủ yếu nhằm vào các đối tượng bán hàng rong, đánh giày, taxi, xích lô…
Công an quận Hoàn Kiếm đã đạt được kết quả tích cực, trong đó nổi bật là các vụ: Bắt nhóm đối tượng trộm cắp và trả lại điện thoại cho Đại sứ Ý; bắt đối tượng trộm cắp người Malaysia và hoàn tất hồ sơ bàn giao cho công an thành phố xử lý; bắt đối tượng trả tiền âm phủ cho du khách và bàn giao cho Công an quận Long Biên xử lý…
Tuy nhiên, theo Đội trưởng Đội Hình sự Công an quận Hoàn Kiếm Tống Đăng Công, để đảm bảo du khách không bị xâm hại, cần có một chế tài xử lý nặng tay hơn: “Chế tài xử lý hiện tại quá nhẹ, các đối tượng dù bị xử lý nhưng vẫn tái phạm, bởi lợi ích từ việc “chặt chém”, xâm hại tài sản du khách lớn và cám dỗ hơn so với tính răn đe của chế tài xử phạt”.
Phước Hà
Gửi bình luận