Giải quyết vấn đề nóng của ngành Du lịch: Cần sự chủ động vào cuộc của các địa phương!
Báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ VHTTDL ngày 18/5, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nhiều vấn đề như tour du lịch giá rẻ - “tour 0 đồng”, cơ sở lưu trú phản ánh bị nhiều đoàn kiểm tra, quản lý hướng dẫn viên… rất cần sự chủ động vào cuộc của các địa phương.
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn báo cáo tại buổi làm việc
Nhiều nhiệm vụ hoàn thành đúng tiến độ
Báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL giao, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, trong lĩnh vực Du lịch, hiện nay Bộ VHTTDL và TCDL là cơ quan tham mưu đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, về công tác xây dựng văn bản pháp luật, sau khi Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 được ban hành, hiện nay, Nghị định thực hiện Luật Du lịch được ban hành. Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch. Gắn với luật này, Bộ cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư liên quan đến trách nhiệm của ngành Giao thông vận tải, cũng như phối hợp với Bộ Tài chính ban hành hai thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực lữ hành và khách sạn.
Hiện nay, Chính phủ giao cho ngành Du lịch thực hiện 8 nhiệm vụ, trong đó nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành và xin ý kiến các cấp. Cụ thể, nhiệm vụ Xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành Du lịch, đề án Tổ chức Hội chợ quốc tế tại Việt Nam, đề án Quy hoạch Sơn Trà đã hoàn thành và trình các cấp phê duyệt. Đề án tái cơ cấu ngành Du lịch đến năm 2025, định hướng đến 2030 hiện đã hoàn tất, đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành. Theo kế hoạch, Đề án sẽ được trình Chính phủ vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Cũng trong thời gian này là mục tiêu ngành Du lịch phấn đấu hoàn thiện đề án tổng thể Ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Nhiệm vụ xây dựng dự thảo Quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch cũng dự kiến sẽ trình trong tháng 5/2018. Trong khi đó, nhiệm vụ đề xuất chính sách gia hạn visa cho khách quốc tế đến từ các nước Tây Âu đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Một số nhiệm vụ như xây dựng Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam phấn đấu hoàn thành cuối năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục Trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, các đề án đang thực hiện vẫn đang trong giai đoạn cho phép, chưa có nhiệm vụ nào quá hạn. Về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch, hiện nay Bộ VHTTDL đã trình cắt giảm 11/28 điều kiện tối thiểu, đơn giản hóa 8/28 điều kiện tối thiểu.
Cần sự liên kết giữa các ngành
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề cập tới những vấn đề tình trạng “tour du lịch 0 đồng” đã quay trở lại, quản lý hướng dẫn viên thế nào để tránh các tình trạng đưa thông tin méo mó lịch sử tới du khách, vấn đề quản lý ngoại tệ, các khách sạn phản ánh về việc nhiều đoàn làm việc kiểm tra trong một năm…
Về vấn đề tour du lịch giá rẻ mà dư luận vẫn gọi là “tour 0 đồng”, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay TCDL đã có nghiên cứu và sớm có ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng, “chúng tôi nhận thấy rằng chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chức năng ở địa phương phải vào cuộc quyết liệt. Điểm nút của tour du lịch giá rẻ này là ở các cửa hàng có dấu hiệu lừa đảo. Vừa rồi chúng tôi đi khảo sát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp và các hãng hàng không Trung Quốc cũng phản ánh vấn đề này, đó là vấn đề bán hàng lừa đảo, bán với giá đắt gấp chục lần, không rõ nguồn gốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, những cửa hàng khép kín chỉ bán cho người Trung Quốc. Điều này chính quyền địa phương phải vào cuộc, phải nói là có có dấu hiệu làm ngơ, lý do thì có thể có động cơ phía sau”.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, khách du lịch tới Việt Nam đều phải trả tiền vé máy bay, khách sạn, vé tham quan, ăn uống….tại Việt Nam, còn trả tiền ít hay trả tiền nhiều thì phụ thuộc vào khả năng của khách du lịch. “Nhiệm vụ của ngành Du lịch là đưa khách nào nhưng vấn đề mua sắm, mua bán ở cửa cửa hàng thế nào thì quản lý thị trường quản lý, họ trốn thuế thì cơ quan thuế phải xử lý, họ chuyển tiền không đúng theo quy định mua bán ngoại tệ thì ngân hàng quản lý. Để giải quyết vấn đề này thì quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, chính quyền địa phương phải xử lý còn ngành Du lịch không xử lý được”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.
Về vấn đề hướng dẫn viên, do sự bùng bùng nổ của một số thị trường, nhất là hướng dẫn viên Trung Quốc nên lượng hướng dẫn viên của chúng ta không đáp ứng đủ yêu cầu. Do đó trong thời gian tới, chúng ta thì phải tăng số lượng và tăng chất lượng. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết TCDL đã có định hướng cho địa phương về vấn đề quản lý hướng dẫn viên, với những trường hợp hướng dẫn viên có dấu hiệu xuyên tạc lịch sử thì có biện pháp xử lý nhưng phải mềm dẻo chứ không nên dẫn đến cách hiểu chúng ta kỳ thị với thị trường khách nào.
Đối với những kiến nghị từ phía Hiệp hội Khách sạn, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, vấn đề trong một năm mà cơ sở kinh doanh lưu trú phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra do cách sắp xếp của cơ quan chức năng tại địa phương chứ TCDL chỉ tiến hành kiểm tra duy nhất một lần trong năm. “Do cơ sở lưu trú chịu sự quản lý của nhiều ngành như phòng cháy chữa cháy, an ninh an toàn, vệ sinh môi trường… nên nếu ở địa phương có nhiều đoàn đi riêng rẽ thì tạo ấn tượng cho khách sạn là có nhiều đoàn kiểm tra”, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định. Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện nay TCDL đã làm việc với Cuc Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) để thảo luận về các phương án giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú và dự kiến trong quý 3/2018, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng. Nếu chính sách này được ban hành thì các cơ sở lưu trú sẽ được giảm 30% giá thành tổng số tiền điện so với mức hiện nay.
Thảo Hương
Gửi bình luận