Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch
Sáng 23/12, tại Hà Nội, TCDL tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao xếp hạng năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam theo các chỉ số của WEF và phù hợp với bối cảnh mới”. Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại Hội thảo
Theo Báo cáo đề dẫn Hội thảo, nhiệm vụ triển khai trên cơ sở Nghị quyết số 02/NQ-CP về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Quyết định số 283/QĐ-TTg về cơ cấu lại các ngành dịch vụ. Theo đó, TCDL sẽ triển khai nghiên cứu đánh giá các chỉ số; đánh gia sự gắn kết các chỉ số liên ngành; xem xét các vấn đề trực tiếp của ngành; xem xét các yếu tố mới tác động bởi COVID-19 từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện xếp hạng năng lực cạnh tranh (NLCT) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Theo TCDL, Việt Nam có 14 nhóm trụ cột tham gia vào việc đánh giá NLCT của WEF, trong đó dẫn đầu các chỉ số thể hiện sức canh tranh về giá (22), tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (29), tài nguyên tự nhiên (35). Ngoài ra còn có các chỉ số hạng trung bình cao: nhân lực và thị trường lao động (47), hạ tầng hàng không (50), an toàn và an ninh (58), mức độ mở cửa quốc tế (58), môi trường kinh doanh (67); hạng trung bình thấp: mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (83), hạ tầng mặt đất và cảng (84), y tế và vệ sinh (91), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (100), hạ tầng dịch vụ du lịch (106) sự bền vững về môi trường (121). Báo cáo của TCDL cũng thể hiện tình hình thực hiện nâng cao NLCT Du lịch và các Bộ, ngành; TCDL có vai trò chủ trì, kết nối các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nâng cao chỉ số NLCT từng ngành, thúc đẩy tăng NLCT Du lịch.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung chia sẻ tại Hội thảo
Giải pháp trước mắt, ngành Du lịch chủ trì đầu tư cải thiện công tác quản lý điểm đến, tập trung công tác đào tạo, phát triển công nghệ và chuẩn bị các gói sản phẩm hấp dẫn phù hợp thị hiếu. Về lâu dài, đề nghị Bộ TNMT thực hiện các giải pháp tăng chỉ số bảo tồn loài; Bộ GTVT đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch, cảng biển, cảng thủy nội địa; đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TƯ, bảo đảm an ninh, an toàn du khách, tiêu chuẩn hóa nghề, triển khai MRA-TP…
Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính TCDL, việc nâng cao NLCT cần thực hiện trên thực tế; cần tiếp cận cách đánh giá của WEF để cung cấp, bổ sung thông thông tin chính xác, phù hợp. Ths. Nguyễn Thị Minh Thảo – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nên lựa chọn các chỉ số ưu tiên để thực hiện; mỗi năm chọn ra một số vấn đề trọng tâm để điều chỉnh mới khả thi. Ngoài ra, nên tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương… PGS.TS. Phạm Hồng Long – Khoa Du lịch Đại học KHXHNV Hà Nội đề xuất trong bối cảnh hiện nay, du lịch cần tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, xây dựng quỹ dự phòng khủng hoảng; đồng thời mở cửa, cải thiện vấn đề thị thực nhập cảnh. Ths. Phạm Ngọc Thạch – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng để nâng cao NLCT, trước tiên cần triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, các địa phương sẽ phải cạnh tranh các vấn đề về môi trường kinh doanh, công tác quản lý, thu hút đầu tư, lao động, an ninh…; tiếp cần từ góc độ đánh giá của doanh nghiệp, từ đó sẽ thúc đẩy nần cao NLCT của ngành Du lịch. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng ngành Du lịch hiện tại phải định hướng vào dịch vụ cao cấp; hạn chế quan điểm đón được bao nhiêu khách và tập trung vào vấn đề thu được bao nhiêu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải định hình lai chiến lược du lịch kết hợp với hạ tầng; xác định việc ưu tiên trong phạm vi và triển khai lần lượt. “Cần cởi mở, trao đổi thông tin, taọ nên liên minh thì mới triển khai được hiệu quả” - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, “Để nâng cao NLCT, ngành Du lịch rất cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Sự tham gia ý kiến tích của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học giúp TCDL tìm ra giải pháp, tổng hợp ý kiến, từ đó xây dựng đề án chất lượng, có tính khả thi trình Chính phủ xem xét”.
Đình Phong
Gửi bình luận