Gánh xiếc gia đình duy nhất còn ở miền Nam
Không riêng gì chúng tôi, nhiều người cũng sẽ bất ngờ khi đến trụ sở của đoàn Ảo thuật - Xiếc Ngọc Viên. Một căn nhà cấp 4, nó quá nhỏ so với tầm vóc của đoàn, nằm che khuất trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thần Hiến, Q.4, TP.HCM. Trụ sở, nơi ở, sàn tập của đoàn xiếc có một thời gian dài là “tổ ấm” của khoảng 300 trẻ em bất hạnh.
Người cha của 300 trẻ em bất hạnh…
Anh vào nghề lúc 13 tuổi, khi đang học trường tiểu học Long Thành, Đồng Nai. Tiết mục đầu đời là đi trên dây và chạy xe đạp một bánh đến nay anh còn nhớ rõ. Hai năm sau anh đi diễn chuyên nghiệp ở các sân khấu nhỏ, phòng trà và được lên truyền hình. Khỏi phải nói cái sự sung sướng pha chút tự hào của anh lúc đó. Nhiều người cứ tưởng anh là con nhà nòi. Tất cả đã nhầm, gia tộc anh không ai dính đến nghệ thuật. Việc anh theo và gắn bó với nghệ thuật được xem là “đột biến”.
Năm 1992, trước khi thành lập đoàn Ảo thuật – Xiếc Ngọc Viên, gánh xiếc của anh đã có 17 năm biểu diễn trên khắp các tỉnh thành và được nhiều bằng khen của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) và Sở Văn hóa – Thông tin của nhiều địa phương cấp bằng khen. Diễn viên chính trong đoàn không ai khác ngoài người vợ yêu quý của anh ca sĩ Ngọc Nhi cùng 5 đứa con của anh, đứa lớn 20 tuổi, đứa con út Minh Quang vừa tròn 3 tuổi, nay đã 27 tuổi và được đánh giá là một tài năng của ảo thuật xiếc Việt Nam.
Trong số hàng trăm tiết mục xiếc độc đáo của đoàn: đi thăng bằng trên dây, chạy xe đạp một bánh trên dây, đi dây qua hồ nước, cùng nhiều tiết mục ảo thuật và xiếc thú đầy hấp dẫn khác như phi dao, cưa người làm 2 khúc, thiếu nữ không đầu, thôi miên, người bay… tiết mục nào cũng mạo hiểm.
Mặc dù anh không nói, nhưng có lẽ cái tuổi thơ cơ cực mà anh nếm trải về sau đã giúp thấu hiểu hơn đời sống của một đứa trẻ thiếu tình thương, bất hạnh rất dễ bị đời dẫn vào ngõ cụt. Nên sau mỗi chuyến lưu diễn trở về quân số của đoàn thường tăng thêm vài ba thành viên nhí. Đó là những đứa trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ anh “nhặt” được, có em được bà con đưa tới… tặng cho đoàn xiếc! Đa phần các em còn trong lứa tuổi thiếu nhi.
Trụ sở đoàn xiếc mấy chục năm qua, vẫn chỉ là căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm trên đường Nguyễn Thần Hiến, Q.4, TP.HCM, còn được biết như tổ ấm tình thương, một chốn nương thân của trẻ em bất hạnh, lúc cao điểm lên đến 30 em. Các em về đây được học văn hóa, học xiếc, ảo thuật…
Khi lớn lên có em tìm được cha mẹ, có em mang chí hướng riêng nên lần lượt rời đoàn. Trong số khoảng 300 em mà anh cưu mang, suốt thời gian dài gần 40 năm, nhiều em đã trở thành giáo viên, doanh nhân khá thành đạt.
Cha đẻ của đoàn xiếc Ngọc Viên, nói trước sau anh vẫn là trưởng đoàn, kiêm trưởng ban tài chính, chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên nên mọi việc liên quan đến đoàn anh đều lo tất tần tật. Anh nhớ có thời gian dài trước đây không đủ tiền nuôi các em, đành phải nhờ tới bạn bè. Có lần bí quá, “liều” đi vay tiền xã hội lãi 10%/ tháng, gần 10 năm sau đó mới trả dứt nợ.Còn cái chuyện mua chịu lương thực, thực phẩm đối với anh là chuyện nhỏ và thường xuyên. Nhưng hễ có tiền anh lại đi làm từ thiện, vợ anh Ngọc Nhi cho biết nhiều năm qua đã cùng chồng tặng khoảng 40 căn nhà tình thương cho bà con nghèo, người mù… nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây.
Tiết mục xiếc do các cháu thiếu nhi mồ côi tập luyện
Chuyện nghề khó quên
Hơn 10 năm sau đó, cũng vào dịp cuối năm, trong một lần anh đưa đoàn xiếc xuống huyện vùng sâu ở Cà Mau biểu diễn.Đúng cái ngày về, trời lại mưa, đường đi trắc trở, dụng cụ cồng kềnh.Anh đành thuê tàu chở cùng 15 thành viên của đoàn. Trong lúc tàu đang chạy êm ru, bất ngờ bánh lái gãy, chòng chành giữa những làn sóng cuộn. Trời tối, biển động, cả đoàn mặt mày tái xanh.Suốt đêm lênh đênh trên sóng nước, người thì cầu nguyện, người ra sức chèo chống, lo không biết số phận sẽ về đâu. May thay, sáng hôm sau gặp tàu cá đi ngang ứng cứu, nếu không chắc cả đoàn bị một phen uống nước biển…
Một lần khác, trong lúc đang biểu diễn tại một huyện vùng sâu ở Bến Tre thì nhận được lời mời từ Sở VHTT tỉnh, về góp vui cho Đại hội Đảng bộ.Một chiếc ghe tam bản, gắn máy đuôi tôm được đưa đến rước đoàn xiếc.Lúc về ngang qua con sông Hàm Luông, bất ngờ ghe vô nước.Cả đoàn không ai biết, đến lúc phát hiện, nước đã tràn ngập khoang, tàu khẳm đé.Ông chủ đoàn xiếc yêu cầu tài công cho ghe cặp bờ.Thế nhưng mọi nỗ lực đều chậm trễ, khi còn cách bờ chừng 2m thì ghe chìm.Tất cả những người biết lội trên ghe đều đồng loạt nhảy xuống sông để hợp sức kéo vào bờ.Cả đoàn xúm lại tát nước, lấy bùn đắp lổ thủng. Cũng may, sau đó đoàn về kịp lúc Đại hội khai mạc. Còn âm thanh, ánh sáng, đạo cụ không hư hỏng mất mát thứ gì, nhưng người và thú một phen hú hồn vì thoát chết.
Một lần khác, sau đêm diễn từ thiện lấy tiền xây dựng nhà tình thương cho người nghèo ở An Giang.Trước giờ chuẩn bị diễn đêm thứ hai, một cơn lốc xoáy ập đến làm cho rạp xiếc bị tiêu tan. Cũng may các thành viên kịp thoát ra ngoài. Tiếc rạp xiếc bị hư hại, mất hàng trăm triệu đồng, trưởng đoàn xiếc đổ bệnh phải đưa đi cấp cứu. Còn các thành viên của đoàn sau đó phải vào chùa xin cơm!
Trải qua bao phen sóng gió của đời mình, khi bình tâm trở lại ngẫm cái câu “ở hiền gặp lành” sao mà nó ứng với anh. Cho nên anh mãi đến tận giờ vẫn còn yêu xiếc… Anh Đức cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây do tuổi già, bệnh tật liên miên nên không dám đưa đoàn đi biểu diễn xa. Nhiều năm qua cũng chỉ biểu diễn quanh quẩn ở các công ty, xí nghiệp và trường học cho các cháu xem.Giá vé rẻ, sau mỗi xuất diễn thường tặng lại trường một số tiền để làm học bổng cho học sinh nghèo.
Tuy kinh tế của đoàn gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng thực hiện hoài bão lớn của đời mình là mở lớp đào tạo cho các cháu thiếu nhi yêu xiếc, có hoàn cảnh khó khăn để làm hành trang vào đời. Anh coi đấy như là món quà khai tâm nghệ thuật, đã gọi là quà lẽ tất nhiên không ai nỡ lấy tiền!n
Bài, ảnh: Cao Phương
Gửi bình luận