Gắn kết vai trò cộng đồng với Di sản thế giới
Vừa qua tại Phố cổ Hội An, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Quảng Nam và Ủy ban UNESCO tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Vai trò cộng đồng trong Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới qua thực tiễn Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn”.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ mục đích Hội thảo là đánh giá những kết quả đạt được, các mặt hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo tồn phát huy giá trị của Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đồng thời đánh giá vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới từ thực tiễn; Thảo luận đề xuất quan điểm, định hướng và chương trình bảo tồn phát huy giá trị di sản trong thời gian tới… Bên cạnh sự ủng hộ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và các tổ chức Quốc tế, sự nghiệp bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn được sự giúp đỡ ủng hộ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ các nước như: Ấn Độ, Ba Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Đức, Pháp, Hoa Kỳ”… Phó Chủ tịch Lê Văn Thanh nhấn mạnh
Phát biểu tại Hội thảo, ông Michael Crofl, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong 20 năm qua đã bảo tồn và phát huy giá trị di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn; Đồng thời là sự quan tâm tuyệt vời của cộng đồng dân cư tại 2 di sản. Cộng đồng, chính họ là người quản lý cần được phát huy, chúng ta động viên cộng đồng tạo ra động lực phát huy tinh thần bảo tồn di sản trong 3 yếu tố then chốt: Bảo tồn + Năng lực + Truyền thông. Mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng làm tăng thêm giá trị điểm đến, của đời sống dân cư địa phương. Vai trò và lợi ích của cộng đồng phải được đảm bảo thiết thực.
Trong tham luận của Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ nêu rõ: Công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đòi hỏi vai trò cộng đồng là rất quan trọng. Mỹ Sơn áp dụng mô hình dựa vào sự xích lại cộng đồng dân cư với di sản. Thực hiện nâng cao nhận thức của người dân mục tiêu lâu dài như đưa giáo dục di sản vào học đường, tăng cường phổ biến pháp luật cho người dân về bảo tồn văn hóa di sản, tránh xâm hại công trình, đảm bảo quyền lợi phúc lợi cho dân cư trong việc triển khai các dự án du lịch…
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn văn hóa di sản Hội An nhấn mạnh: Với ý nghĩa là một “bảo tàng sống – bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị”; Trong nhiều năm qua Khu phố cổ Hội An không những được bảo tồn hoàn hảo mà còn được phát huy hiệu quả. Trong đó vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn đô thị cổ Hội An đã để lại nhiều bài học quý cho tương lai, không chỉ riêng Hội An mà còn nhiều địa phương trong cả nước…
Hội thảo cũng đã được các nhà nghiên cứu di sản thế giới trình bày nhiều tham luận có giá trị cao như “Sự gắn kết cộng đồng trong không gian văn hóa và di sản sống” của TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản Văn hóa; “Di sản và giảm nghèo, Quan điểm dựa trên thực tiễn của Hội An và Luông Pha Bang của GS Robyn Bushell, Đại học Tây Sydney; “Công ước UNESCO và Phát luật VN – Khung pháp lý cho việc huy đọng nguồn lực cộng đồng trong Bảo tồn di sản văn hóa” của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam…
Diệu Vũ – Mỹ Thanh
Gửi bình luận