FLC biến đất hoang thành nơi du lịch tráng lệ
Chọn những vùng đất ngủ quên trên tiềm năng để đầu tư là cách Tập đoàn FLC “biến sỏi đá thành vàng” và song hành cùng sự tăng trưởng ngoạn mục của du lịch Việt Nam trong các năm gần đây. Nhiều vùng đất nhờ đó đã phát triển thịnh vượng hơn, giao thương sầm uất hơn, thay đổi thương hiệu cho cả một tỉnh, giải quyết hàng nghìn việc làm cho người dân nơi dự án đó đi qua. Giai đoạn trước 2014, rất khó để người ta có thể tưởng tượng về sự đổi thay của nhiều vùng đất như ngày nay…
Thời điểm đó, ánh hào quang quá khứ của Sầm Sơn đang dần mất đi, khi tư duy phát triển du lịch manh mún với nhiều “tiếng xấu” đang lấn át hình ảnh một vùng biển xinh đẹp từng được người Pháp đánh giá là “điểm nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”. Thời điểm đó, toàn bộ vùng “đất võ trời văn” Quy Nhơn, Bình Định chỉ là điểm dừng chân tạm thời của du khách trước khi dịch chuyển tới các điểm du lịch có tiếng khác như Nha Trang, Đà Lạt. Xã đảo Nhơn Lý nơi sở hữu những danh thắng như Eo Gió, Kỳ Co thì vẫn heo hút buồn tẻ với những trảng cát hoang chói chang dưới nắng.
Và cũng thời điểm đó, thị trường du lịch Quảng Ninh tồn tại một nghịch lý: Sở hữu một thắng cảnh thuộc hàng tuyệt tác với 2 lần được UNESCO vinh danh nhưng trước 2013, toàn tỉnh không có một khách sạn 5 sao nào. Những mỏ than thổ phỉ, đồi trọc địa chất phức tạp “xuống dưới lại có đá, dưới đá lại có than” nằm hoang vu ven bờ di sản và không một du khách nào muốn đặt chân tới.
Tập đoàn FLC đã chọn những nơi ai nhìn cũng lắc đầu như thế để bắt đầu những công trình của mình, như Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã nói: “Chúng tôi không chọn biến vàng thành trang sức, mà biến sỏi đá thành vàng. Vàng ở đây không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả các địa phương nơi chúng tôi đầu tư”.
Những công trình “bước ngoặt”
Giữa năm 2014, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn chính thức khởi công trên vùng đầm lầy rộng hơn 200 ha. Chỉ sau 9 tháng thi công, một đại công trình gồm sân golf 18 hố, trung tâm hội nghị 1.300 chỗ, khách sạn 5 sao cùng hàng trăm căn biệt thự đã được hòan thành, “góp phần thay đổi tính chất du lịch bình dân, mùa vụ trước đây của Sầm Sơn và thay đổi cả tư duy du lịch nghỉ dưỡng tại miền Bắc”, như đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn. Tháng 7/2016, dự án FLC Quy Nhơn với quy mô 1.300 ha, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng chính thức khánh thành, hiện thực hóa ước mơ của lãnh đạo và người dân về một công trình đẳng cấp tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Bình Định. FLC Quy Nhơn với sân golf được đánh giá đẹp Top 3 châu Á, hai khách sạn tiêu chuẩn 5 sao cùng hơn 70 tiện ích quy mô khác đã trở thành niềm tự hào của người dân “đất võ trời văn”.
“Nếu như trước đây mỗi năm chúng tôi chỉ đón hơn 1 triệu lượt khách thì năm 2016 có 3,2 triệu lượt khách. Năm 2017 ước tính có gần 4 triệu lượt khách... Doanh thu từ du lịch trước đây chỉ một vài trăm tỷ đồng thôi, nhưng giờ đã lên tới cả nghìn tỷ”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận định.
Song song với FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, hành trình “đánh thức những vùng đất” của Tập đoàn FLC đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều miền đất khác, từ Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đến Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình…Chỉ trong thời gian không xa, du khách sẽ được thưởng thức cảnh sắc kỳ vĩ của Hạ Long từ quần thể 3.400 tỷ kiến tạo trên đỉnh đồi Văn Nghệ hay trải nghiệm chuỗi sân golf liên hòan diện tích “khủng” 1.000 ha tại FLC Quảng Bình - dự án du lịch được đánh giá là có quy mô lớn nhất miền Trung cho đến thời điểm hiện tại.
Tính đến 2020, thị trường du lịch sẽ đón nhận 10 quần thể du lịch sinh thái đồng bộ tiêu chuẩn 5 sao, 10 sân golf trải dài hơn 60km bờ biển đẹp nhất Việt Nam và hàng chục ngàn sản phẩm BĐS phục vụ lưu trú, kinh doanh như condotel, shophouse, villa… từ thương hiệu FLC. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Cất cánh “giấc mơ bay”
“Vận hành những quần thể du lịch lớn trên toàn quốc, chúng tôi nhận ra sự kết nối giữa những điểm du lịch của Việt Nam còn nhiều bất cập. Làm thế nào để đưa du khách quốc tế cũng như nội địa bay thẳng đến những điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, mà không cần phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết?”, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways trả lời báo chí khi được hỏi về quyết định thành lập hãng hàng không của Tập đoàn FLC trong tháng 6/2017.
Khác biệt với nhiều tên tuổi khác trên thị trường, Bamboo Airways mang đến cho khách hàng nhiều giá trị cốt lõi có liên quan mật thiết tới du lịch, với những chuyến bay thẳng và những dịch vụ trọn gói từ đi lại, lưu trú đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm.
Cùng với việc ký kết thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner mới đây tại Mỹ, “tân binh” của Tập đoàn FLC đang chuẩn bị những bước tiến cuối cùng để cất cánh “giấc mơ bay” ngay trong năm 2018 này, với kỳ vọng kết nối các điểm đến đang lên của Việt Nam, từ đó tăng cường liên kết vùng và nâng tầm hình ảnh của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Bamboo Airways nói riêng hay Tập đoàn FLC nói chung đang đại diện cho một thế hệ doanh nghiệp mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và ước mơ. Chính thế hệ doanh nghiệp này đã góp phần đưa du lịch Việt Nam đến với những mốc son ấn tượng: đón 10 triệu lượt khách quốc tế lần đầu tiên trong năm 2016 và chỉ sau một năm, con số này tăng trưởng kỷ lục gần 30% so với cùng kỳ. Du lịch Việt Nam đã không còn là một nốt trầm bên sự sôi động của những người hàng xóm như Thái Lan hay Singapore và thời điểm để chúng ta thật sự “cất cánh” chắc chắn không còn xa.
Hồng Tiệp
Gửi bình luận