Du ngoạn Thái Lan, kỳ 1
Kỳ 1: Những ngôi Chùa Vàng
Chọn đúng dịp Tết truyền thống dân tộc, cũng là dịp lễ hội té nước của Thái Lan, chúng tôi thực hiện chuyến du ngoạn thăm đất nước chùa Vàng. Vì sao ba ngày Tết dân tộc (ngày 1, 2, 3 tháng 3 âm lịch; nếu tính theo Dương lịch của năm nay sẽ rơi vào các ngày 16, 17, 18 tháng Tư) lại trùng khớp với ba ngày lễ hội té nước? Bởi thời điểm này là điểm đỉnh của mùa khô, nóng nhất trong năm, nóng đến nỗi trong các sân lát đá của các ngôi chùa người ta phải trải những tấm cao su xốp để các phật tử bỏ giầy dép bên ngoài vào lễ không bị bỏng chân. Nếu có trận mưa vào những ngày này có thể coi là trận mưa vàng. Nhưng thường thì không có mưa. Vậy thì phải té nước vào người nhau cho may mắn cả năm. Chúng tôi đi đến đâu, nếu gặp đám đông đều nhận được những gáo nước té lên người. Càng là khách quý càng nhận được nhiều vinh dự ấy. Thái Lan cùng có múi giờ, cùng vành đai khí hậu với Việt Nam, nhưng ba mặt bị che chắn bởi các quốc gia Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, chỉ một số ít phía Nam giáp biển nên khí hậu Thái Lan rất nóng.
Chùa Núi Vàng
Vì sao lại gọi Thái Lan là đất nước chùa Vàng? Là một xứ sở có tới 96 phần trăm dân số theo đạo Phật, phái Nam tông (được thọ dụng thức ăn thịt động vật), 4 phần trăm còn lại theo đạo Ki-tô, đạo Hồi, đạo Tin lành, cho nên chùa chiền có ở khắp nơi. Thái Lan có trữ lượng vàng nhiều nhất châu Á. Nhưng họ không dùng vàng để giao dịch như ở ta. Trừ một số đồ vật quý trong Hoàng cung, trong các siêu thị được dát vàng, còn tất cả vàng đều đưa vào chùa; các ngôi chùa ở đây từ tượng Phật cho đến những hoa văn trên tòa tam bảo, thậm chí cả hoa văn bên ngoài chùa đều được dát vàng hoặc đúc bằng vàng khối, vàng ròng. Phật tử trong nước, du khách, các doanh nhân đến chùa dâng lễ, công đức bằng vàng. Nhà chùa ban phước cho chúng sinh cũng bằng vàng. Tại Bangkok có hai ngôi chùa nổi tiếng đều có chữ Vàng: chùa Vàng và chùa Núi Vàng. Chùa Vàng ngự dưới mặt đất bằng phẳng. Từ mặt ngoài đến nội thất ngôi chùa này hầu như đều được dát vàng. Có pho tượng Phật đúc bằng vàng nặng 5 tấn. Ayutthaya, cố đô của Thái Lan, từng là một thành phố sầm uất từ thế kỷ 14, có những ngôi chùa kỳ vĩ vào bậc nhất Đông Nam Á, nhưng đến khi quân ngoại bang xâm lược đã bị phá. Hàng trăm pho tượng bị chặt cụt đầu. Thật may, có một cái đầu pho tượng lớn không mất. Nó bị văng xuống gốc cây bồ đề. Cây bồ đề linh thiêng đã dùng bộ rễ vươn ra bao bọc che chở cho nên đến nay vẫn còn, trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Còn cái pho tượng 5 tấn vàng kia cũng được nhân dân che chở bằng cách sơn phết vôi vữa, để cho mưa nắng làm mốc meo, lên rêu, đen thui qua nhiều thế kỷ. Cho đến khi người ta hầu như đã quên đó là pho tượng vàng thì cũng là lúc có hai nhà sư phát hiện ra, vào năm 1950. Hai vị này vận động cho xây ngôi chùa mới, dinh pho tượng lên vị trí tôn nghiêm, làm sạch để hiện nguyên hình pho tượng vàng như hôm nay.
Ngôi chùa vàng thứ hai được xây trên một quả núi nên gọi là chùa Núi Vàng. Ngôi chùa này đẹp nổi tiếng và rất linh thiêng bởi trên tầng cao nhất thờ Thần Tứ Diện, tức là thần 4 mặt, mỗi mặt quay về một hướng. Thần Tứ Diện vốn dĩ là vị thần của đạo Hindu, gốc từ Ấn Độ, khi sang Thái Lan, vì là vị thần rất thiêng nên được người Thái “Phật hóa” mang gương mặt Phật. Theo quan niệm của người dân địa phương, Thần Tứ Diện phù hộ cho người ta nhiều thứ, trong đó có công ăn việc làm, đường đời, tình duyên… cho nên người dân Thái Lan coi vị Thần Tứ Diện là Đức Phật cao siêu nhất, linh thiêng nhất.
Ngôi chùa Núi Vàng không chỉ linh thiêng vì thờ Thần Tứ Diện mà nó còn nổi tiếng gần xa bởi ở đây lưu giữ một bộ kinh cổ. Nhờ bộ kinh cổ này mà êkip làm bộ phim Tây Du Ký đã chọn ngôi chùa để quay cảnh bốn thầy trò Đường Tăng đến thỉnh kinh…
Thái Lan không phải nơi khai sinh đạo Phật, nhưng người Thái sùng đạo Phật vào bậc nhất thế giới. Người Thái Lan có 4 phương châm sống mà dường như từ người già cho đến em thiếu niên đều ghi lòng tạc dạ: 1 – Suy nghĩ trước khi nói, 2 – Ăn trước khi đói, 3 – Đi tu trước khi lấy vợ, 4 – Làm phúc trước khi làm giàu. Suy nghĩ trước khi nói nghĩa là phải nói năng cẩn trọng, suy nghĩ trước sau thật chín chắn rồi mới phát ngôn, không ba hoa gian dối, không gắp lửa bỏ tay người. Ăn trước khi đói, bởi nếu để đói mới ăn là dễ sinh ra hiện tượng ăn tham, ăn ngốn ngấu, ăn hết phần người khác. Đi tu trước khi lấy vợ nghĩa là người thanh niên Thái Lan trước khi lập gia đình đều phải đến chùa Vàng (chùa Hoàng cung) thực hiện một khóa tu 3 tháng. (Vua Raman thứ 9 Bhumibol Adulyadej, vị vua vĩ đại nhất Thái Lan, trước khi kết hôn cũng từng tu tại đây). Người thanh niên đi hỏi vợ, bố mẹ bạn gái anh ta hầu như không quan tâm anh ta giàu hay nghèo mà chỉ hỏi anh ta đã đi tu chưa, nếu anh ta trả lời tu rồi và được kiểm chứng thì bố mẹ bạn gái hoàn toàn yên tâm gả con gái cho anh ta. Bởi khi anh ta tu rồi nghĩa là anh ta đã biết những điều cơ bản để làm một con người, sẽ không bao giờ anh ta còn làm những việc trái đạo lý với con gái họ. Và như vậy nó sẽ liên quan đến điều thứ tư, anh ta sẽ biết làm phúc: Làm phúc trước khi làm giàu. Làm phúc trước khi làm giàu cũng có nghĩa là “cho đi” để “nhận được” vậy!
Pho tượng bằng vàng nặng 5 tấn
Có thể nói, cuộc đời một con người ở xứ sở chùa Vàng từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi kết thúc đều gắn chặt với ngôi chùa. Một em bé vừa cất tiếng khóc chào đời, bà mụ cắt rốn, tắm táp xong là đưa lên chùa xin ân phước; đến khi em bé đi học lại lên chùa học. Chùa của Hoàng gia hay chùa của dân đều có trường học. Trường học trong chùa Hoàng gia miễn phí hoàn toàn cho học sinh nghèo. Trẻ em Thái Lan nếu không may rơi vào hoàn cảnh không nơi nương tựa thì chỉ có một giải pháp là đến chùa xin nương tựa cửa Phật. Khi sinh nhật 18 tuổi thì theo cha mẹ lên chùa, cha mẹ tặng con một dây chuyền gắn tượng Phật bằng vàng, có sự chứng kiến của Đức Phật. Dây chuyền ấy đi theo suốt cuộc đời con người ấy. Rồi khi có con đến tuổi 18 người ấy sẽ tặng lại cho con. Khi cuộc đời kết thúc, người Thái không tổ chức tang lễ linh đình, điếu phúng khóc than ai oán mà thực hiện hỏa táng lấy tro bỏ vào lọ đưa lên chùa. Những ngày ở Thái Lan, chúng tôi đi nhiều nơi mà chẳng nhìn thấy một khu nghĩa địa, nghĩa trang hay một ngôi mộ nào cả.
… Tôi chỉ hơi khó hiểu rằng ở Bangkok đô thị hóa đã lâu nhưng nhà cửa hai bên mặt đường phố cái thò, cái thụt, cái cao cái thấp nhấp nhô không đẹp; có những tòa nhà đồ sộ, tráng lệ ngự liền kề với những ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ, sập sệ, rêu mốc; vẫn còn những con phố mà hai bên lề rất nhiều dây điện chằng chịt, trông không được “thuận mắt” cho lắm, thì cô Kim hướng dẫn viên người Thái gốc Việt nói:
- Người ta thấm nhuần giáo lý đạo Phật quá sâu, coi sống ở trần thế chỉ là cõi tạm, người giàu hay nghèo đều do sự ban phát định đoạt của Đức Phật nên họ bằng lòng, thể hiện đúng như những gì mình có. Người nghèo sống bên người giàu vẫn an nhiên tự tại, không bao giờ có sự ghen ghét, tị hiềm. Người giàu là láng giềng của người nghèo cũng không bào giờ lên mặt coi thường, khinh khiến. Trong Hoàng cung từng trải qua bốn triều đại nhưng sự tranh giành, chém giết, tiếm ngôi cũng có nhưng chỉ là một hiện tượng cá biệt trong một hoàn cảnh đặc biệt. Anh xem những chiếc xe ô tô người Thái đi kia cũng có thể cảm nhận được cái triết lý “có sao dùng vậy”ấy…
Tôi nhìn đường cao tốc 6 làn đường, xe ô tô chạy kín các làn, hầu hết là xe hãng Toyota được sản xuất tại Thái Lan. Trong công cuộc “Âu hóa”, Anh quốc có ảnh hưởng đến Thái Lan sâu nặng nhất.Những mẫu xe này khi mang thiết kế từ Nhật Bản về, Thái Lan đều thay đổi tay lái từ trái sang phải như xe của Anh. Thỉnh thoảng tôi mới nhìn thấy một chiếc xe “khủng” của Đức, của Pháp thì Kim bảo đấy là xe của những nhà kinh doanh người Hoa. Người Thái chỉ dùng xe nội địa, do người Thái sản xuất.
(Còn nữa)
Bút ký của Lê Hoài Nam
Gửi bình luận