Du lịch thay đổi cuộc sống ở nông thôn
Những năm gần đây, du lịch đã được tạo điều kiện phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương. Và cũng từ đây cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn, vốn chân lấm tay bùn, nay làm du lịch cũng đã thay đổi hẳn.
Nông dân được hưởng lợi
Nhiều nơi trên cả nước, du lịch đã làm thay đổi bộ mặt, hình ảnh của địa phương. Và trong số đó, du lịch như là điểm nhấn của tỉnh, khu vực. Phú Quốc là điển hình. Đây không chỉ là hòn đảo nổi tiếng của Việt Nam, bởi có diện tích lớn nhất nước mà còn là một trong những nơi có tốc độ phát triển du lịch nhanh.
Hiện tại, các khu vực như Dương Đông, An Thới, Dương Tơ… có thể nhìn thấy như một đại công trường với hàng loạt công trình bề thế, mang tầm cỡ khu vực và thế giới… trị giá hàng tỷ đô. Thậm chí, sức ảnh hưởng của nó còn lan ra tới các khu vực như bãi Thơm, Hàm Ninh…
“Nhờ có du lịch, gia đình chúng tôi đã đón và phục vụ nhiều khách đến, đặc biệt là khách nước ngoài, từ đó, cuộc sống cũng thay đổi. Nhiều người vốn đi làm nhân công ở các khu công nghiệp nay cũng trở về làm du lịch, chủ yếu là dạng homestay”, anh Phong ở xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc đang làm chủ Local Beach chia sẻ.
Tại Hàm Ninh, nhiều gia đình vốn chỉ sinh sống bằng nghề đi biển, nay cũng mở dịch vụ đón khách. Ông Tấn, một người từng đi biển nay nghỉ ở nhà mở kiot ngay cầu tàu phục vụ hải sản cho khách du lịch nói trong hồ hởi: “Khách du lịch đến Phú Quốc nhiều, họ nghe nói về làng chài Hàm Ninh nên tìm tới và thưởng thức hải sản. Không chỉ vậy, họ còn mua mang về. Đó cũng là nguồn sống của gia đình trong vài năm trở lại đây. Đỡ vất vả hơn đi biển gấp trăm lần nhưng phải chịu khó và chiều khách mới được”.
Không chỉ ở Phú Quốc, mà rất nhiều nơi trên cả nước du lịch đã làm thay đổi cuộc sống của người dân. Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nơi đây có những nhà cổ như: Ba Đức, Anh Kiệt, ông Xoát… đã “làm” du lịch từ nhiều năm qua.
Ngoài mang lại kinh tế cho gia chủ, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn, du lịch đến đã làm thay đổi mọi thứ, từ đường làng ngõ xóm đến nhà cửa đều được trang hoàng đẹp hơn, giúp họ có ứng xử văn minh hơn. Và người hưởng lợi chính là những người nông dân vốn chân lấm tay bùn.
Phải bền vững
Điển hình như tại thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, trước đây là vùng đất chỉ trồng lúa, hết sức bấp bênh thì nay, người dân cũng đã cải tạo để làm du lịch. Ngày nay, khi đặt chân đến đây, ấn tượng đầu tiên là những cánh đồng sen rực rỡ đã và đang mọc lên với hàng loạt “điểm chụp hình”, “điểm thưởng thức trà sen”, “điểm bán hạt sen/tim sen”…
Ông Võ Bá Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng cho biết: “Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch làng nghề truyền thống (Vinh Ba vốn nổi tiếng với nghề đan lát, hiện đang có khoảng 200 hộ làm nghề) được xem là hướng đi mới đầy tiềm năng. Xã cũng đang chủ trương cùng với bà con để thực hiện nhằm phát triển theo hướng này. Hơn nữa, trong mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Vinh Ba cũng là địa phương được làm chọn làm điểm phát triển, trở thành khu dân cư kiểu mẫu, là điểm đến tham quan của du khách”.
Khách đến để du lịch tại các điểm nêu trên chủ yếu là dòng khách nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Âu, Mỹ… họ rất thích đạp xe, khám phá làng quê, trải nghiệm các sản phẩm của người nông dân Việt Nam, như tát ao bắt cá, làm đồng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người nông dân), khám phá nét hay nét đẹp văn hóa địa phương… Từ đây cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu từ nông – ngư nghiệp sang làm dịch vụ với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Nhìn rộng ra hơn có thể thấy các địa phương như như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… ở phía Bắc; Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên… ở miền Trung; rồi Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắk Lắk… tại khu vực miền Đông – Tây Nguyên và đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có có sự “thay da đổi thịt”, khi người dân làm du lịch. Nói không quá, nhiều nơi đã có sự bứt phá, làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và ổn định đời sống – xã hội, phát triển bền vững.
Thực tế, du lịch trong thời gian gần đây có sự bứt tốc đáng ghi nhận, đặc biệt là trong năm 2018, Việt Nam đã đón và phục vụ 15,5 triệu khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 27,5 tỷ USD. Đó là sự đóng góp rất lớn của ngành Du lịch, nhất là trong việc thay đổi diện mạo ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng (so với trước đây) cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy mà thời gian qua được nhắc đến nhiều, như: tình trạng tour 0 đồng, người nước ngoài làm du lịch khép kín, người Việt chỉ bán nhân công rẻ mạt, ô nhiễm môi trường - rác thải và người dân không được hưởng lợi từ du lịch, du lịch đóng góp vào GDP còn ít… là những vấn đề mà ngành Du lịch Việt Nam cần cải thiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo để phát triển bền vững.
Vấn đề đặt ra là phải giải quyết bài toán làm sao để du lịch lan tỏa, có sức kéo và người dân được hưởng lợi thực sự, qua đó, thay đổi bộ mặt nông thôn nhiều hơn nữa. Có như vậy mới giải quyết tốt bài toán an sinh xã hội, giảm tình trạng di dân đến các đô thị lớn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phong Vân
Gửi bình luận