Du lịch nông thôn ở Triêm Tây
Chúng tôi được một lão nông đã qua tuổi thất thập nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát hướng dẫn về làng quê này. Đó chính là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học CH Pháp Bùi Kiên Quốc trở về quê giữ đất giữ làng… Ông giới thiệu, qua 3 năm kiên trì, cần mẫn cải tạo với 120m bờ kè, làng Triêm Tây, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã trụ lại được. Bởi, ngôi làng đậm chất nông thôn Việt Nam với lũy tre bao bọc 147 hộ dân này đã từng nằm trong đề án di dời dân vùng sạt lở của tỉnh Quảng Nam do tốc độ xói lở quá nhanh. Đi dọc bờ sông rợp mát bóng tre, vị KTS tốt nghiệp khoa Kiến trúc (Đại học Mỹ thuật Paris), từng hơn 40 năm trầm ngâm: Thiết kế cho hàng trăm công trình hoành tráng ở các nước tiên tiến, gần 20 năm về lại quê hương, tôi nghiệm ra một điều rằng, cái giàu có nhất của làng là bờ sông! Có giữ được bờ sông, giữ được đất thì mới giữ được dân, rồi mới nói đến chuyện giữ làng. Thế nên, với dự án Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây được triển khai từ tháng 6-2009, có tổng diện tích 13.447m2, tiêu tốn khoảng 10 tỷ đồng, cái được ông quan tâm nhất là bờ sông. Chỉ tay về phía bên kia sông, Bùi Kiến Quốc tâm đắc với một không gian thoáng đãng, xanh mướt đồng rau trải rộng 40 héc-ta. Làm sao phải giữ được tầm nhìn xanh mát như thế là chuyện làm ông rất đau đầu. “Vì nếu thiếu tầm nhìn đó thì khu du lịch này coi như vứt bỏ”, ông tâm sự. Chính vì vậy, ông đang thương lượng với một tổ chức quốc tế, tìm kiếm viện trợ nhằm hỗ trợ cho nông dân giữ lại đồng rau, tổ chức canh tác hợp lý, chứ không phải biến nó thành một vùng khô cằn hoặc quy hoạch nhà ở. Rồi từ đây, sẽ có dịch vụ cho thuê thuyền máy qua sông, (có áo phao) bảo đảm an toàn cho du khách và trẻ em trải nghiệm đời sống nông dân thuần chất Việt Nam bên dòng Thu Bồn này.
Dạo quanh làng với ông, tôi nhận ra chỗ này là những ngôi nhà nông thôn Việt còn giữ nguyên dạng, cách bài trí Việt, với bàn thờ tổ tiên, không gian sinh hoạt gia đình Việt. Nơi khác là căn nhà mà theo ông là “nhà thân thiện”, nghĩa là thiết kế bằng vật liệu tre, gỗ thuần túy và 100% lắp ghép. Mỗi căn nhà rộng 3,6m, dài 4,8m, sườn tre, lợp tranh, vách gỗ với thiết kế cửa song sập, vừa giải quyết ánh sáng, vừa điều chỉnh nhiệt độ... theo đúng phong cách nhà Việt. Ông rất “hả hê” với sản phẩm chính bàn tay mình dựng nên. Cười thật to và đùa rằng: “Năm đô-la Mỹ một chuyến, không ai cưỡng lại được cái giá quá rẻ như thế để có một trải nghiệm đồng quê tuyệt vời!”, ông tâm đắc với ý tưởng của mình. Trong chương trình kế hoạch “Festival Di Sản Quảng Nam 2013”, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn là một trong những sản phấm du lịch mới. Ngày 24/6 sẽ khai trương “Khu nhà vườn Triêm Tây”, gồm 20 phòng lưu trú, 3 hồ bơi, 1 nhà trưng bày sản phẩm và xưởng chiếu chẻ truyền thống để đón và phục vụ du khách. Và nơi đây sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ ân tình giữa những cựu binh năm xưa của huyện Điện Bàn kết nghĩa với huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; tổ chức hôi thảo xây dựng đời sống nông thôn mới VN ngày nay…
Viện sĩ, KTS Bùi Kiến Quốc sinh năm 1944, sang Pháp năm 1951, quay về Việt Nam học tại Trường J.J. Rousseau đến năm 1961 rồi sang Pháp. Năm 1969, tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Paris; năm 1991 được bầu vào Viện KTS Pháp. Năm 1996, ông về Việt Nam và theo đuổi các dự án bảo vệ làng quê Việt, phát triển du lịch sinh thái. Ông là con của bác sĩ Bùi Kiến Tín với thương hiệu Dầu gió bác sĩ Tín nổi tiếng. Ông cũng là em chú bác ruột với nhà thơ Bùi Giáng. |
Gửi bình luận