Du lịch đen, Bài 6: Tour chui làm tổn hại Du lịch Việt Nam
Liên quan đến tình trạng các đại lý “chui” (tạm gọi đại lý bán tour vỉa hè) mọc như nấm sau mưa, hoạt động rầm rộ tại khu vực miền Trung, đã khiến cho một số doanh nghiệp lớn phải đau đầu…Đây là cách làm ăn bất bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh.
Ông lớn” Pegas Touristik phải chào thua tour du lịch chui
Đánh vào tâm lý thích rẻ
Chủ tịch HĐQT một công lớn, uy tín cho rằng: Tình trạng các đại lý vỉa hè bán tour chui đã xảy ra từ ba bốn năm nay rồi, chứ không phải bây giờ mới diễn ra. Nó diễn ra tại Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Hội An…. nơi có khách Nga lưu trú. Mặc dù chúng tôi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Thanh tra của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, UBND, Sở VHTTDL, Công an, cùng các cơ quan ban ngành liên quan của các tỉnh... nhưng các đại lý này chỉ lắng lại tạm thời khi thanh tra sau đó lại tiếp tục mọc lên như nấm.
Tôi lấy ví dụ rất cụ thể như Tập đoàn Pegas Touristik sau 21 năm thành lập, họ đã đầu tư thành công một mạng lưới 990 đại lý mua bán tour lữ hành quốc tế trên toàn Nga, với phương tiện vận chuyển là 26 máy bay riêng và 25 máy bay liên doanh liên kết, đầu tư hệ thống khách sạn với số lượng phòng khách sạn là 35.000/ngày, khoảng 5000 nhân viên, hướng dẫn viên và chăm sóc khách hàng được đào tạo chuyên nghiệp, Pegas thành lập gần 70 đại diện, công ty hợp tác liên doanh, liên kết, Pegas phải mua bảo hiểm du lịch cho tất cả khách phòng khi gặp rủi ro… để chủ động phục vụ chu đáo đưa khách du lịch Nga đi nghỉ dưỡng đến 24 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Việc đầu tư tiền bạc, công nghệ, sức lực và uy tín cho lượng khách hơn 3 triệu mỗi năm không phải là nhỏ.
Trong khi tốn kém cho một quy trình công nghệ lữ hành quốc tế, ở các đại lý “vỉa hè” lại chỉ có một cái bàn với mấy tờ rơi thông tin, rồi cũng bán tour đi khắp nơi: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Phú Quốc… với giá thấp hơn 20 – 30%, thậm chí có khi giá chỉ bằng một nửa. Hệ quả là khi xảy ra sự cố rủi ro, hướng dẫn viên của các đại lý “ vỉa hè” này trốn mất dạng, cá nhân tôi cũng đã từng phải đứng ra để xử lý hậu quả của những “tour chui” kiểu này...Đó là lối làm ăn chụp giựt, ảnh hưởng nghiêm trọng cho môi trường kinh doanh du lịch tại Việt Nam…
Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này thì các “đại lý vỉa hè” không chỉ chào bán trên đường, trên vỉa hè mà còn giới thiệu, quảng cáo tour ngay trong các khách sạn có khách người Nga của công ty họ lưu trú. Có những khách sạn, chỉ cần khách mở cửa bước vào phòng là thấy ngay các thông tin về tour tuyến, địa chỉ liên hệ… Nghĩa là họ cũng nhanh lắm, khách Nga ở đâu, phòng nào… họ đều biết cả. Và để có đất sống thì các đại lý này cũng bắt tay với khách sạn hoặc nhân viên khách sạn để ăn chia lợi nhuận. Nhiều khách sạn, người chủ không tiếp tay thì lại có những nhân viên lén lút móc nối với các đại lý bên ngoài chào bán tour cho khách.
Một yếu tố giúp cho những kiểu làm ăn này có đất sống nữa, đó chính là do tâm lý khách hàng. Khách thích giá rẻ, nên khi thấy các tour vỉa hè giới thiệu giá rẻ hơn một nửa so với các công ty lữ hành có uy tín là họ mua, khi đó họ không nghĩ đến sự tổ chức tour chuyên nghiệp hay các quyền lợi mà họ được hưởng… Khi khách gặp sự cố rủi ro lúc đó các đại lý vỉa hè bỏ trốn thì mọi sự đã quá muộn.
Du khách Nga đến Bình Thuận
Vô cảm khi có sự cố
Việc các đại lý vỉa hè chèo kéo, bán tour và tổ chức tour cho khách du lịch quốc tế của một số công ty lữ hành với nhiều người có thể coi là chuyện nhỏ, nhưng với những hậu quả đáng tiếc mà họ gây ra cho khách du lịch quốc tế sẽ ảnh hưởng uy tín cho môi trường du lịch Việt Nam sẽ là chuyện hoàn toàn không nhỏ.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói: Điển hình nhất là khi xảy ra các sự cố như cướp giật, tai nạn, khách cấp cứu phải đưa vào bệnh viện… thậm chí, thiệt mạng thì các đại lý bán tour vỉa hè cũng “lơ” luôn trách nhiệm, bỏ trốn để khách chơ vơ giữa đường... vì các đại lý bán tour vỉa hè không bao giờ mua bảo hiểm du lịch cho khách quốc tế.
Thực tế thời gian qua, chúng tôi đã phải vào cuộc xử lý rất nhiều trường hợp như thế.Bởi khi bị bỏ rơi, khách cũng chẳng biết kêu ai, ngoài quay lại với chúng tôi. Lúc đó, người thân hoặc chính nạn nhân gặp sự cố lại năn nỉ, nhận lỗi là đã sai vì không chấp hành chỉ dẫn của của chúng tôi thì sự đã quá muộn… Nói chung là họ nói đủ cách để tìm sự giúp đỡ. Vì trách nhiệm đối với khách hàng của mình, nhiều khi hai ba giờ sáng, tôi đang ngủ thì lại có cú điện thoại báo: có khách đi tour do các đại lý vỉa hè tổ chức họ bị cướp giật, bị tai nạn… nhưng hướng dẫn viên đã bỏ trốn... lại phải giải quyết ngay lúc đó
Ví như có một cô gái người Nga mua tour của đại lý vỉa hè và bị tai nạn gãy xương sống, gãy chân, chấn thương phần mềm. Khi đó đại lý vỉa hè biến mất, chúng tôi lại phải xuất hiện chăm sóc khách của mình. Cô này phải nằm chữa trị tại Việt Nam 2 tháng, cá nhân cô và gia đình không còn đủ khả năng tài chính... nhưng vấn đề là cô không thể bay về Nga bằng máy bay bình thường được.
Không còn cách nào khác chúng tôi buộc phải nhờ Đại sứ quán CHLB Nga tại Việt Nam can thiệp với Bộ Khẩn cấp (CHLB Nga) xin chuyên cơ riêng để chở nữ du khách này về nước.
Cơ quan quản lý có biết không?
Không thể nói các cơ quan quản lý ở địa phương không biết tình trạng lộn xộn làm ảnh hưởng đến du khách ở một số địa bàn như đã nêu ở trên. Ngay đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính ở đây cũng đã nhiều lần kiến nghị, kêu cứu đòi được giúp đỡ, tuy nhiên việc ra tay của các cơ quan này xem ra còn chậm và đôi lúc giống như “đá ném ao bèo”…
Không kìm được bức xúc, vị lãnh đạo doanh nghiệp nọ đã nói với phóng viên: Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết tình trạng này, song việc giải quyết không thường xuyên và phản ứng còn chậm. Ví dụ như tại Ninh Thuận, lúc đầu, không có bất cứ một công ty lữ hành nào gửi khách Nga đến đây, thế nhưng, khi chúng tôi đưa khách đến Ninh Thuận thì sau đó lập tức có mấy đại lý tour bắt đầu xuất hiện. Khi chúng tôi không đưa khách về Ninh Thuận nữa, thì mấy “đại lý tour” cũng hết đất sống. Nhưng điều đáng nói là trước đó, chúng tôi đã kiến nghị và chính quyền địa phương đã hợp tác can thiệp, tuy nhiên chưa hoàn toàn triệt để. Mãi mới đây, chính quyền địa phương mới thông báo là xử phạt một công ty 20 triệu đồng thì khi đó chúng tôi đã tạm thời dừng gửi khách đến đây do tình hình thị trường Nga biến động.v.v.
Để lập lại trật sự, an toàn, an ninh cho du khách theo đúng tinh thần của Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng về: “Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch”, thiết nghĩ, nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý ở địa phương thì chắc chắn tình trạng làm ăn chụp giựt kiểu “đại lý tour vỉa hè” sẽ hết đất sống và hoạt động du lịch tại đây sẽ bình ổn hiệu quả hơn. Và hình ảnh Du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách với vẻ đẹp tiềm ẩn sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn đối với du khách.
Phong Vân - Thuận Phong
Gửi bình luận