Du lịch Việt Nam nỗ lực nhiều hơn khi vào thị trường Ấn Độ*
Báo Du lịch (BDL):Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa và kết quả chuyến khảo sát thị trường Ấn Độ vừa qua?
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn (TCT Nguyễn Văn Tuấn):
Đây là đoàn Lãnh đạo Tổng cục Du lịch sang thăm Ấn Độ lần đầu tiên từ năm 2001. Chuyến công tác trên cũng là kết quả Hội nghị Hợp tác du lịch, hàng không Việt Nam - Ấn Độ, tháng 11/2014 tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức nhân dịp đoàn doanh nghiệp du lịch, báo chí Ấn Độ sang khảo sát tại Việt Nam. Đây là hoạt động hiện thực hóa các cam kết tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm du lịch được nêu trong chương trình nghị sự làm việc nhân chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo hai nước thời gian qua.
Bên cạnh khảo sát một số điểm du lịch, Đoàn đã làm việc với Tổng Vụ trưởng Bộ Du lịch Ấn Độ, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam (Roadshow) với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp du lịch và gần 20 báo đài Ấn Độ, gặp gỡ hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Tại các buổi làm việc, trao đổi, Bộ Du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ cho thấy họ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam cả outbound và inbound. Các bên đều bày tỏ cam kết, sẵn sàng phối hợp, trao đổi với các cơ quan liên quan để tăng cường kết nối, tạo điều kiện cấp thị thực cho khách, tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch, gặp gỡ doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy luồng khách hai chiều Việt Nam và Ấn Độ.
BDL: Nhận định của ông với thị trường này khi Du lịch Việt Nam tiếp cận? Thị trường Ấn Độ liệu có trở thành thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam không?
TCT Nguyễn Văn Tuấn:
Với gần 1,3 tỷ người, Ấn Độ là nước đông dân thứ hai thế giới, trong đó có khoảng 300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và số này đang có chiều hướng tăng liên tục. Năm 2012, người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài đạt 14,92 triệu lượt, chi tiêu du lịch quốc tế là 13,3 tỷ đô la Mỹ. Tổ chức Du lịch Thế giới dự báo đến năm 2030 sẽ có 50 triệu công dân Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Ấn Độ là thị trường gửi khách quan trọng của nhiều nước ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Hiện nay hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ đang có nhiều thuận lợi để có thể thúc đẩy.Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống và gần đây đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Hợp tác du lịch là một trong những nội dung được đưa vào chương trình nghị sự làm việc nhân chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo hai nước. Trao đổi khách giữa Việt Nam và Ấn Độ còn khá thấp về con số tuyệt đối nhưng tốc độ tăng trưởng khá cao. 5 năm qua, khách Ấn Độ đi du lịch Việt Nam tăng 330%, từ trên 16.000 lượt năm 2010 lên gần 55.000 lượt năm 2014. Những năm qua, khách Việt Nam đi du lịch Ấn Độ cũng tăng rất nhanh.Chúng tôi hy vọng rằng với nỗ lực của các bên, trao đổi khách giữa hai nước sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
BDL: Du lịch Việt Nam sẽ làm gì để bước vào thị trường này một cách hiệu quả trong thời gian tới, những khó khăn, thuận lợi và giải pháp thực hiện?
TCT Nguyễn Văn Tuấn:
Ấn Độ là thị trường nguồn khách có nhiều tiềm năng.Tuy nhiên để khai thác tốt thị trường này còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết là kết nối hàng không, từ tháng 11/2014, hãng hàng không JetAirways đã khai thác đường bay Hồ Chí Minh - New Delhi với tần suất 7 chuyến/tuần. Tuy nhiên, vẫn dừng tại Bangkok để lấy thêm khách.Vì vậy, thời gian chờ đợi và thời gian bay chưa được cải thiện nhiều so với trước đây.Bên cạnh đó giá vé vẫn khá cao so với các nước trong khu vực.Bên cạnh đó khách Ấn Độ đi du lịch Việt Nam vẫn yêu cầu phải làm các thủ tục xin thị thực. Hiện nay thông tin về du lịch Việt Nam còn rất hạn chế đối với khách Ấn Độ, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Ấn Độ chưa có nhiều điều kiện và thời gian để tìm hiểu, thiết lập quan hệ kinh doanh. Trong khi đó Thái Lan, Singapore và Malaysia đã thâm nhập thị trường Ấn Độ từ hơn 10 trước và đều có văn phòng đại diện tại các thành phố lớn như New Delhi, Mumbai, Chennai. Chúng ta còn thiếu một số dịch vụ đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của khách, các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ, thứ nhất là cơ sở phục vụ các đoàn khách MICE, thứ hai là các nhà hàng phục vụ món ăn Ấn Độ.
Chính vì vậy, để tiếp cận, khai thác thị trường Ấn Độ cần huy động sự tham gia, hợp tác, hỗ trợ của các bên liên quan. Tích cực đề nghị các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp giữa hai nước. Hai bên ủng hộ JetAirways cũng như Vietnam Airlines, VietJet Air mở đường bay thẳng, trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong năm 2015, Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động quảng bá du lịch tới thị trường Ấn Độ, bao gồm tham gia Hội chợ GES, PATA Travel Mart và tổ chức Roadshow tại các thành phố Delhi, Chennai, Hyderabad, Mumbai, Bangaluru. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục mời các doanh nghiệp, báo đài của Ấn Độ, cũng như đoàn làm phim Bollywood sang Việt Nam khảo sát điểm đến, tìm hiểu thị trường, sản phẩm du lịch. Cơ quan du lịch quốc gia hai nước tích cực trao đổi thông tin kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực và quảng bá du lịch; cùng thúc đẩy để ký Chương trình hợp tác du lịch giai đoạn 2 năm như đã trao đổi.
BDL: Từ sự thành công của chuyến khảo sát thị trường Ấn Độ, ông cho biết kế hoạch của Tổng cục Du lịch trong việc tiếp tục mở rộng thị trường qua các nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar…
TCT Nguyễn Văn Tuấn:
Trong Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đã xác định các nước ASEAN bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Myanmar… là những thị trường, đối tác quan trọng. Năm 2015 cũng là năm Việt Nam cùng các thành viên khác trong đại gia đình ASEAN hướng tới việc xây dựng cộng đồng ASEAN. Đây là thời điểm quan trọng để Du lịch Việt Nam tăng cường hợp tác, kết nối với các nước trong khu vực, thúc đẩy trao đổi khách cũng như thu hút khách từ nước thứ ba bao gồm Ấn Độ đi du lịch các nước trong khu vực sang Việt Nam du lịch. Một số hoạt động đang và sẽ được quan tâm triển khai bao gồm rà soát, ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác giai đoạn 2 năm với các nước ASEAN; phối hợp với hàng không/đại sứ quán Việt Nam tại các nước tổ chức một số chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam. Ví dụ: Tháng 5, Tổng cục Du lịch sẽ đón đoàn FAM từ Indonesia, sau đó tổ chức chương trình Roadshow tại Indonesia… khuyến khích, hỗ trợ hai bên tham gia các sự kiện của nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi phát triển kinh doanh…
BDL: Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
PV thực hiện
(*)Tít bài do Báo Du lịch đặt
Gửi bình luận