Du lịch Việt Nam đã trưởng thành như thế…(*)
Trên cơ sở có những dự thảo, khởi thảo bước đầu về quy hoạch du lịch, TCDL đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập 10 Sở Du lịch thuộc các tỉnh là trung tâm du lịch của cả nước, sau bổ sung thêm 4 sở. Đồng thời với việc hình thành Sở Du lịch ở các tỉnh, các cơ quan trên TCDL cũng được hình thành; trên cơ sở của Vụ Du lịch – Thương mại ngày trước, TCDL đã hình thành các Vụ, các cơ quan của TCDL; cùng với việc hình thành các tổ chức này là phải tuyển chọn cán bộ. Khi đó, TCDL đã tập hợp những đồng chí đã từng công tác trong ngành Du lịch, đã học về du lịch ở các nước, đang công tác tại các cơ quan, các bộ ngành, các địa phương, đưa về các Vụ, các cơ quan của TCDL, để hình thành bộ máy của TCDL. Các nội dung công việc cũng được tiến hành triển khai đồng bộ, mà ưu tiên số một là tiến hành làm quy hoạch, khảo sát các điểm du lịch, hình thành nên các tour tuyến du lịch; đặc biệt quan trọng là giải quyết các thủ tục, ưu tiên hàng đầu là thủ tục xuất nhập cảnh, cùng với Bộ Nội vụ khi đó (giờ là Bộ Công an) cải tiến các thủ tục xuất nhập cảnh. Có một việc mà bây giờ nhắc lại thì rất lạ, nhưng khi đó, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam muốn đi các tỉnh phải có giấy giới thiệu mới được đi; giữa Bộ Nội vụ và TCDL khi đó cũng đã có Thông tư giải tỏa được vấn đề này. Điều đó cũng không phải dễ dàng, phải mất một thời gian, phải có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó mới giải tỏa được vấn đề. Cùng với việc cải tiến từng bước thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch, đã tạo ra điều kiện, môi trường rất tốt cho phát triển, tăng nguồn khách.
Đón khách quốc tế thứ 2 triệu (năm 2000) - ảnh TL
Khách tăng thì TCDL lại lo về cơ sở vật chất, vì lúc đó du lịch Việt Nam thiếu khách sạn lắm, thiếu buồng phòng. Làm thế nào để tăng nhanh số lượng buồng phòng, khách sạn, TCDL lại nghĩ cách gỡ vấn đề đầu tư, đầu tư trong nước, nước ngoài. TCDL lúc đấy đã tham mưu đưa vào Nghị quyết 45 của Chính phủ, việc đầu tư các cơ sở lưu trú sẽ có nhiều thành phần kinh tế tham gia, kể cả tư nhân, kể cả doanh nghiệp nhà nước không thuộc lĩnh vực du lịch nhưng đang quản lý đất thì cũng đứng ra là đối tác ký liên doanh với các đối tác khác để giải quyết vấn đề về cơ sở lưu trú. Một loạt dự án đến bây giờ tôi vẫn nhớ, được hình thành từ lúc đó như khách sạn Melia, Deawoo, Sofitel và nhiều khách sạn trong TP.HCM; đấy là một trong những thành công trong giải quyết vấn đề cơ sở vật chất của ngành Du lịch.
Nâng cao chất lượng từng bước một các dịch vụ du lịch, TCDL đã ban hành các quy định về hướng dẫn viên du lịch, rồi từ đó cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; quy định vận chuyển du lịch; quy định về buồng, phòng… Phân hạng khách sạn cũng bắt đầu hình thành từ thời đó, khi TCDL nghiên cứu cách phân hạng khách sạn của Pháp; biển hiệu phân hạng bây giờ ở các khách sạn cũng được hình thành từ thời đó, bây giờ vẫn được kế thừa sử dụng. TCDL cũng lo đến vấn đề lực lượng lao động, lo đến đào tạo; TCDL đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận, kiện toàn các trường du lịch thời đó, trường nghiệp vụ du lịch ở Cổ Nhuế khi đó (bây giờ đang ở đường Hoàng Quốc Việt – Hà Nội), trường du lịch của Vũng Tàu, của Saigon Tourist và nhiều cơ sở, nhiều trường thương nghiệp gắn thêm du lịch; trường văn hóa ở các tỉnh khi đó cũng gắn thêm du lịch. Lúc này, TCDL cùng với các Bộ, ngành, địa phương lập ra các trường nghiệp vụ du lịch, trường trung cấp nghề; thành lập đại học du lịch, bắt đầu từ Khoa du lịch của Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội và TP.HCM; tất cả chính là để đào tạo nhân lực cho du lịch.
Năm 1995, TCDL đã được Chính phủ đồng ý cho tổ chức hội chợ du lịch quốc tế, đây một một trong những bước chuẩn bị cho du lịch Việt Nam phát triển từng bước. Tôi còn nhớ một câu nói của Thủ tướng Chính phủ khi đó là đồng chí Võ Văn Kiệt nói khi tôi trực tiếp báo cáo với Thủ tướng về tình hình của du lịch sau mấy tháng khi tôi về khảo sát, lúc đó Thủ tướng nói ngành Du lịch Việt Nam bây giờ phải vừa xếp hàng vừa chạy. Vừa xếp hàng vì phải từng bước một hình thành, phải đảm bảo ổn định, bền vững.Nhưng phải chạy nữa, vì cái gì có thời cơ thì phải đẩy nhanh, thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của du lịch. Chính vì vậy khi đó, cán bộ TCDL thường hay nói với nhau, phải phối hợp tốt với các Bộ, ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có điểm du lịch thì mới có thể phát triển được, vì bản thân du lịch là một ngành tổng hợp liên quan đến rất nhiều ngành, mang tính chất xã hội hóa rất cao. Ngay trong chỉ đạo lúc đó, Thủ tướng Chính phủ cũng cho ý kiến là nửa tháng một lần Thủ tướng sẽ trực tiếp nghe Tổng cục trưởng TCDL cùng các ngành liên quan báo cáo tình hình, vấn đề gì có thể quyết tại chỗ thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó quyết định ngay. Có thể nói đây là những cơ hội rất tốt, cùng với tình hình kinh tế chung của đất nước, xu thế chung của thế giới xem du lịch là ngành kinh tế, thời điểm đó TCDL được tổ chức lại cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Tôi còn nhớ, năm 1995 cũng là Năm Du lịch Việt Nam đón được 1 triệu khách quốc tế, khi đó Chính phủ cũng chính thức thông qua quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 20 năm; người nghe trực tiếp nhiều lần và quyết định phê duyệt cũng là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nay, Du lịch Việt Nam đã có những bước trưởng thành, so với ngày đầu thành lập lại thì đã tiến rất mạnh; khách sạn cao cấp rất nhiều, các khu, điểm du lịch đã có chất lượng, trình độ đã khác hẳn; TP.HCM, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu… phát triển du lịch rất tốt.
Bá Phúc lược ghi
(*) Đầu đề là của tòa soạn
Gửi bình luận