Du lịch Ninh Bình trên đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ninh Bình nằm cách Hà Nội 93km về phía Nam với diện tích khoảng 1.400km2, dân số khoảng 950 ngàn người. Tuy là một tỉnh không lớn nhưng Ninh Bình có địa hình đa dạng: có núi, đồng bằng, vùng ven biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình của Việt Nam thu nhỏ. Ninh Bình được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo để phát triển du lịch như: danh thắng Tràng An, VQG Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, vườn chim Thung Nham, động Thiên Hà, vùng ven biển Kim Sơn, các suối khoáng nóng… Toàn tỉnh hiện có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 79 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 267 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; có 81 làng nghề truyền thống, trên 260 lễ hội truyền thống… Đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đây là một trong 38 Di sản hỗn hợp của thế giới và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Danh hiệu Di sản thế giới đã tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng Bắc bộ và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bến thuyền Tràng An (Ảnh TL)
Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Phát triển du lịch đã được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong tỉnh. Giai đoạn 2010-2016, du lịch Ninh Bình tăng trưởng bình quân 13,71%/năm. Năm 2017, ngành Du lịch Ninh Bình đón 7,05 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu đạt 2.524 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Năm 2018 du lịch Ninh Bình phấn đấu đón 7,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.900 tỷ đồng. Đến nay, ngành Du lịch Ninh Bình đã thu hút được 29 dự án với tổng vốn trên 11.513,26 tỷ đồng. Hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai một số dự án lớn: Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, công viên động vật hoang dã quốc gia, khu du lịch ven biển cồn nổi Kim Sơn... Khi những dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa du lịch của Ninh Bình phát triển nhanh hơn.
Du lịch phát triển đã đem lại cho Ninh Bình nhiều lợi ích về mặt xã hội dưới các hình thức như tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Nếu như năm 2010, tổng số lao động trong ngành Du lịch của tỉnh là 8.550 người, đến năm 2017 con số này tăng lên 19.420 người, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 7 năm qua là 12,45%/năm. Tại nhiều khu, điểm du lịch như Tam Cốc - Bích Động, Tràng An, Vân Long, Cúc Phương, Bái Đính…, nếu trước đây nhiều gia đình chỉ sống bằng nông nghiệp thì nay chuyển sang làm dịch vụ du lịch. Nhờ vậy thu nhập của người dân đã tăng lên rõ rệt, bình quân đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Hơn nữa người dân được giao lưu với du khách, mở rộng hiểu biết và có trách nhiệm hơn với công tác bảo vệ di sản, môi trường tự nhiên. Từ đó làm thay đổi cơ bản về nhận thức bảo vệ môi trường, đặc biệt trong vùng di sản Tràng An. Nhiều khu, điểm du lịch như khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, VQG Cúc Phương, khu du lịch Tràng An, Tam Cốc… còn giữ được nét hoang sơ, môi trường tự nhiên được bảo vệ nhờ ý thức của chính những người dân.
Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, phát triển du lịch là phương tiện quảng bá hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của đất và con người Ninh Bình tới bè bạn trong nước và quốc tế. Đến với Ninh Bình du khách được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, khám phá lịch sử cội nguồn của dân tộc, các món ăn đặc sắc, các làng nghề, lễ hội truyền thống.
Ninh Bình là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Phát huy thế mạnh về tài nguyên du lịch phong phú đó, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Ninh Bình đã xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sức lan tỏa mạnh của du lịch đã và đang thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương… Với những thành quả đạt được, du lịch Ninh Bình đã tạo được tiền đề vững chắc để từng bước phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã xác định.
ThS. Bùi Văn Mạnh (Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình)
Gửi bình luận