Du lịch Đan Phượng đi tắt đón đầu
Là huyện ngoại ô của Thủ đô, nằm trên tuyến du lịch quan trọng của thành phố Hà Nội (Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì - Phú Thọ), Đan Phượng đang tận dụng những lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch, là giải pháp phát triển kinh tế cho huyện trong thời gian tới...
Đoàn khảo sát làm việc tại vườn ươm hoa lan (nơi ông Kim Jong Un và các lãnh đạo đến thăm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cuối tháng 2 vừa qua).
Mặc dù không có những giá trị nổi bật mang tính quốc gia, quốc tế song hệ thống các di tích lịch sử gắn với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, thành cổ Ô Diên như đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến, tượng đài phong trào phụ nữ ba đảm đang …; những lễ hội độc đáo như hội Chèo Tàu, hội Diều Bá Gian…, những đặc sản địa phương như hoa lan Hồ Điệp, bưởi Đan Phượng, nem Phùng, rượu Hồng Hà, giò chả Tân Hội… chính là những lợi thế sẵn có giúp Đan Phượng thu hút khách du lịch.
Tại buổi tọa đàm “Giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đan Phượng tổ chức ngay sau buổi khảo sát các điểm đến trong địa bàn huyện mới đây đã có sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí truyền thông. Tại hội nghị, lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn chia sẻ hiện trạng phát triển du lịch của huyện và bày tỏ mong muốn nhận được những ý kiến ý kiến đóng góp của lãnh đạo ngành Du lịch và các đơn vị lữ hành.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội - Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Du lịch Đan Phượng mặc dù mới đang trong giai đoạn định hướng, song với những tiềm năng sẵn có cùng quyết tâm cao thì việc đi tắt đón đầu hoàn toàn có thể giúp cho huyện bứt phá. Tuy nhiên, để làm được điều đó, huyện cần quan tâm tới việc quản lý điểm đến vì điều đó có tác động rất lớn đến việc khai thác tài nguyên du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện cần tập trung đào tạo nguồn lực du lịch để xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý điểm đến hiệu quả. Huyện cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để hợp tác xây dựng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hình thành tour tuyến trên trục đường 32. Ngoài ra, việc xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương thông qua các kênh thông tin để tiếp cận được tới nguồn khách du lịch tự do cũng rất quan trọng, ông Thắng nhấn mạnh.
Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đến từ Hà Nội và thông tấn báo chí cũng cho rằng với những lợi thế sẵn có, Đan Phượng hoàn toàn có thể đón khách đến và xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù địa phương. Tuy nhiên, để có được những sản phẩm du lịch hấp dẫn, Đan Phượng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá; đăng ký bản quyền thương hiệu đặc sản địa phương; khôi phục và đẩy mạnh mô hình làng nghề truyền thống; bên cạnh việc thu hút khách nước ngoài cũng nên chú trọng khách nội địa; đẩy mạnh công tác bảo tồn và tôn tạo di sản; xây dựng hệ thống bảng biển chỉ dẫn; bổ sung tư liệu tại các di tích; kết nối các phương tiện công cộng đưa đón khách, đẩy mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần…
Tại hội nghị, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch đã thống nhất các ý kiến đóng góp và đưa ra ý kiến chỉ đạo. Theo ông Trần Đức Hải, đã phát triển du lịch là phải có khách đến. Để làm được điều đó, huyện cần xác định được điểm đến cụ thể và nguồn tài nguyên đặc sắc để phối hợp với các đơn vị xây dựng sản phẩm có tính điểm nhấn và phát huy hiệu quả sản phẩm, sau đó mới tiếp tục nhân rộng mô hình. Khi lượng khách tăng lên thì chất lượng dịch vụ cũng phải tăng thông qua việc chi tiêu bình quân của khách. Hằng năm, huyện phải có con số thống kê lượng khách cụ thể để theo dõi và đặt ra mục tiêu kế hoạch tiếp theo. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với huyện trong việc điều tra, thẩm định và công nhận những điểm đến đạt chuẩn trình lên cấp trên xét công nhận là điểm đến cấp thành phố. Sau khi huyện đã chuẩn hóa thông tin các điểm đến cụ thể, tiếp tục chuyển lên Sở Du lịch bằng văn bản tiếng Việt để Sở hỗ trợ việc quảng bá thông tin cho huyện. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ địa phương trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực địa phương và du lịch cộng đồng.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của lãnh đạo Sở Du lịch và các doanh nghiệp, lãnh đạo huyện Đan Phượng bày tỏ quyết tâm cao trong việc đi tắt đón đầu và đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch thông qua các mô hình: Du lịch văn hóa, lịch sử, cách mạng, tín ngưỡng, lễ hội; Du lịch vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao; Du lịch sinh thái, nghỉ cuối tuần; Du lịch làng nghề và ẩm thực… Bên cạnh đó, huyện cũng cam kết sẽ phát triển du lịch bền vững đảm bảo mục tiêu kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, truyền thống của dân tộc; giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Phương Nhi
Gửi bình luận