Dư địa cho phát triển của ngành Khách sạn Việt Nam còn rất lớn
LTS: Vừa qua, tại TP.HCM, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam”, nhằm đánh giá thực trạng và định hướng đầu tư, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam đảm bảo hiệu quả, góp phần thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Báo Du lịch xin giới thiệu bài phát biểu của Phó Tổng cục trưởng TCDL Ngô Hoài Chung tại hội nghị này. Đầu đề là của tòa soạn.
... Chúng tôi đánh giá cao Hiệp hội Khách sạn Việt Nam trong việc tổ chức thường niên Hội nghị Đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam, đặc biệt năm nay hội nghị được tổ chức trong thời điểm ngành Du lịch đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ, giành được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; hội nghị là sự kiện có ý nghĩa thiết thực trong việc xúc tiến đầu tư, thúc đẩy quan hệ hợp tác trao đổi, cung cấp giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo ngành Du lịch phát huy tối đa các thế mạnh, tiềm năng con người và lợi thế thiên nhiên để tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau.
Như chúng ta đã biết, những năm gần đây, Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh. So với năm 2001, năm 2017 khách quốc tế tăng gần gấp 6 lần từ 2,3 triệu lượt khách lên gần 13 triệu lượt; khách nội địa cũng tăng gấp 6,5 lần, từ 11,7 triệu lên 73,2 triệu lượt. Tổng thu du lịch năm 2017 đạt 511 nghìn tỷ đồng (23 tỷ USD), tăng trưởng 27,5%. Tỷ lệ đóng góp GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên hơn 6% năm 2017. 4 tháng đầu năm 2018, ngành Du lịch tiếp tục tạo dấu ấn mới với việc đón hơn 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động từ đô thị đến nông thôn, từ ven biển, hải đảo đến vùng núi, cao nguyên, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Trong bức tranh tươi sáng của ngành Du lịch, có thể nói lĩnh vực khách sạn, cơ sở lưu trú là mảng màu tươi sáng nhất. Ngành Khách sạn là nơi thu hút đầu tư lớn nhất, phát triển với tốc độ nhanh nhất và nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng nhất trong ngành Du lịch. Với 25.600 cơ sở lưu trú, 508.000 phòng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta có thể tự hào chất lượng hệ thống khách sạn Việt Nam ngang tầm các nước phát triển, nhiều cơ sở được vinh danh trong các cuộc bình chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp nhất thế giới, chất lượng tốt nhất thế giới, đáp ứng nhu cầu mọi thành phần du khách có mức chi trả khác nhau, góp phần tích cực vào thành công những sự kiện trọng đại của quốc gia và quốc tế, đặc biệt sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á–Thái Bình Dương APEC - 2017 đã mang lại tiếng vang, quảng bá được hình ảnh đất nước tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách.
Mục tiêu tổng quát của Du lịch Việt Nam là đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển theo hướng bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường, chú trọng chất lượng, tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng; tạo các thương hiệu mạnh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Với Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017 đã tạo môi trường rất thuận lợi cho cơ sở lưu trú du lịch phát triển. Có thể khẳng định dư địa cho phát triển của ngành khách sạn Việt Nam còn rất lớn, lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng về quy mô và chất lượng, nhu cầu và thị trường đầu tư rộng mở, hứa hẹn phát triển ổn định trong tương lai. Do đó, các cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam cần đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, góp phần để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn, chất lượng, đáng tin cậy của du khách bốn phương.
Hội nghị Đầu tư và Kinh doanh Khách sạn tại Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ kinh nghiệm thiết kế, xây dựng, vận hành khách sạn và loại hình mới như condotel, phân tích và khai thác cơ hội, thách thức, định hướng cho sự phát triển của ngành lưu trú du lịch trong tương lai. Đây cũng là diễn đàn để các diễn giả trong nước và quốc tế, đại diện cơ quan quản lý, tập đoàn tư vấn, đầu tư bất động sản thảo luận về xu hướng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung trong khu vực và thế giới.
Những ý tưởng, những sáng kiến quý báu của quý vị sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, thúc đẩy hợp tác du lịch trong và ngoài khu vực, sớm đưa mục tiêu chung của chúng ta trở thành hiện thực.
Ngô Hoài Chung
Phó Tổng cục trưởng TCDL
Gửi bình luận