Du Xuân về miền lễ hội
Phú Thọ là vùng Đất Tổ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với kho tàng văn hóa dân gian truyền thống phong phú, đa dạng. Đó là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, diễn xướng dân gian, truyện kể, thơ ca… Trong đó, lễ hội chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ. Với tổng số hơn 100 lễ hội được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng triệu du khách đến tham dự, tiêu biểu như: Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Hội Phết Hiền Quan, Lễ hội Trò Trám…
Hành trình du Xuân về miền quê Xoan – Ghẹo được bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết. Du khách tham dự lễ hội hát Xoan và được thưởng thức những làn điệu Xoan đầu Xuân tại 2 xã Phượng Lâu và Kim Đức – TP.Việt Trì. Hát Xoan, hát Ghẹo là những làn điệu dân ca đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Đất Tổ Hùng Vương. Hiện nay, hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau những giây phút lắng đọng được đắm mình trong những làn điệu Xoan cổ và không khí linh thiêng nơi sân đình, du khách tiếp tục khởi hành đến xã Vân Phú dự lễ ném chài Vân Luông vào mùng 3 Tết. Đây là lễ hội diễn lại cảnh Vua Hùng cùng dân làng đưa tiễn Sơn Tinh về Núi Tản. Sau phần lễ, du khách còn được tham dự các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như chọi gà, tổ tôm… Ngày hôm sau, du khách tiếp tục cuộc hành trình đến xã Thanh Đình để tham dự lễ hội rước ông Khiu – Bà Khiu. Đây là lễ hội cầu mùa đặc sắc của xã Thanh Đình. Ngược theo con đê sông Hồng, du khách đến với xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao để dự lễ hội cướp Phết vào mùng 5 Tết. Lễ hội cướp Phết được gắn liền với truyền thuyết lịch sử về các vị thành hoàng làng là các nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương dựng nước, đời Vua Hùng thứ 18.
Về với cội nguồn dân tộc, du khách không thể không tham dự Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Đền Mẫu Âu Cơ là khu di tích lịch sử thờ thánh mẫu Âu Cơ đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1991. Sau khi lắng lòng mình thành kính trước đền thờ thánh mẫu Âu Cơ, du khách sẽ có cơ hội tham dự lễ hội Trò Trám của xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng. Trò Trám là lễ hội trình nghề mua vui cho mọi người trong dịp đầu Xuân. Với những nội dung diễn xướng phong phú, với hình thức thể hiện rất khôi hài thông qua cách bố trí đạo cụ của trò diễn đã gây nên những tiếng cười sảng khoái, làm tiêu tan những mệt nhọc sau một năm làm ăn vất vả. Khi những tiếng cười sảng khoái còn chưa dứt, du khách lại có cơ hội được đắm mình trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp và lung linh màu sắc của hội Phết Hiền Quan, huyện Tam Nông. Hội Phết là lễ hội rất tiêu biểu trong kho tàng văn hóa dân gian vùng Đất Tổ. Lễ hội được đặt trong một hệ thống các nghi lễ và các trò diễn liên kết như: phân lương, duyệt bia, kéo quân, điểm binh, đánh Phết để nhớ lại cuộc khởi nghĩa của Thiều Hoa một nữ tướng của Hai Bà Trưng trên đất Phú Thọ.
Chỉ tính trong tháng Giêng trên đất Tổ Hùng Vương có hơn 20 lễ hội lớn tiêu biểu như: lễ hội hát Ghẹo của làng Thanh Uyên (huyện Tam Nông) bắt đầu từ mùng 5 Tết; lễ hội làng Tiên Du (huyện Phù Ninh) vào mùng 6 Tết; lễ hội giã bánh chưng bánh giày làng Trúc Phê (huyện Tam Nông) và lễ hội đền Năng Yên (huyện Thanh Ba) vào mùng 7 Tết; lễ hội rước chúa Gái ở xã Chu Hóa và Hy Cương (TP.Việt Trì) vào các ngày 7, 8; lễ hội đình Lâu Thượng (TP.Việt Trì) ngày 9, 10; lễ hội làng Hiền Đa (huyện Cẩm Khê) vào ngày 12; lễ hội đền Lăng Sương (huyện Thanh Thủy) và lễ hội đền Du Yến (huyện Thanh Ba) và ngày rằm; lễ hội rước voi Đào Xá (huyện Thanh Thủy) vào các ngày 27 đến 29… Rồi các lễ hội trong tháng 2, tháng 3 và tập trung nhất, lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3, với tình cảm và trách nhiệm của những người con đất Việt…
Mùa Xuân này, mời bạn hãy về với miền quê Xoan – Ghẹo, về vùng đất cội nguồn để đón nhận những niềm vui bất tận đầy thú vị cho một năm mới và cho suốt hành trình trong cuộc đời bạn từ mùa Xuân này.
Quách Sinh
Gửi bình luận