Đổi thay Hoằng Hóa
Xưa kia, đất Hoằng Hóa nổi danh là vùng đất hiếu học của xứ Thanh, thì nay mảnh đất này đang có nhiều thay đổi để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, gắn các giá trị kinh tế, văn hóa với phát triển du lịch để trở thành ngành mũi nhọn của địa phương trong tương lai.
Tiềm năng được đánh thức
Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến nằm trên bờ biển thuộc địa phận 4 xã Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Năm 2012, khu du lịch này được đưa vào khai thác, đón khách tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu như năm 2012, lượng khách đến đây mới chỉ đạt 50 nghìn lượt thì đến năm 2017, khu du lịch biển Hải Tiến đã đón được 1,2 triệu lượt khách, tăng 54,3% so với năm 2016 (650 nghìn lượt). Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60%. Vào các ngày lễ, thứ 7 và Chủ nhật hay trong 3 tháng mùa Hè, công suất phòng đều đạt 100%, có nhiều ngày cao điểm không đủ phòng để phục vụ khách du lịch. Doanh thu đạt trên 1500 tỷ đồng.
Hiện nay, các loại hình du lịch như du lịch tắm biển, hội thảo, hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh, các dịch vụ như bể tắm nước biển nóng, bể bơi, buffet bãi biển phục vụ khách vào các buổi tối, thưởng thức ẩm thực vừa sinh hoạt văn hóa, các hoạt động thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, khu vui chơi cảm giác mạnh và trò chơi điện tử, dịch vụ xe điện… đã đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch. Bà Đoàn Thị Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, đến năm 2017, khu du lịch biển Hải Tiến đã xây dựng hoàn thành gần 50 khách sạn, nhà nghỉ, biệt thự, villa, với tổng số 4300 phòng. Các công trình vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cũng hoàn thiện để phục vụ khách du lịch. Địa phương cũng chú trọng xây dựng và hoàn thiện các công trình công cộng, đường nội bộ trong khu du lịch, hệ thống biển chỉ dẫn xuống khu du lịch, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường. Bà cho biết, tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch ước đạt gần 5000 tỷ đồng.
Ngoài khu du lịch Hải Tiến, tại các xã, thị trấn cũng đã đầu tư các cơ sở dịch vụ lưu trú như thị trấn Bút Sơn, Hoằng Thái, Hoằng Lộc, Hoằng Quý… Đồng thời, các ngành cùng tham gia khảo sát, quy hoạch và phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông, đến các di tích lịch sử văn hóa trên tuyến sông Mã và sông Lạch Trường. Ông Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Thanh Hóa cho biết, sự phát triển của khu du lịch biển Hải Tiến bảo đảm giữa phát triển du lịch, gắn bó với cảnh quan và môi trường nhân văn.
Nâng cao chất lượng để thu hút khách
Với lợi thế là một huyện đồng bằng ven biển, du khách đến với khu du lịch Hải Tiến không chỉ có nhu cầu nghỉ dưỡng mà còn muốn được khám phá, thưởng thức văn hóa, ẩm thực địa phương, trong những năm qua, các doanh nghiệp và địa phương đã có nhiều hướng khai thác để xây dựng các thương hiệu, sản phẩm đặc trưng, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Ông Lê Đức Giang – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, trong năm 2017, địa phương đã tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với những cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường đầu tư du lịch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước trong hoạt động du lịch, đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho khách du lịch.
Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa những dịch vụ mới phục vụ du khách khi tới với Hoằng Hóa. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Đại Dương Xanh đưa vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy kết nối khu du lịch Hải Tiến đến các điểm tham quan như: Đền thờ Long Vương – Đảo Nẹ, Bia chiến thắng trận đầu của Hải quân và nhân dân Việt Nam tại núi Hòn Bò, Cảng cá Lạch Trường, cảng cá, rừng ngập mặn Hòa Lộc – Hậu Lộc, Phủ Máng Hoằng Yến, rừng ngập mặn Hoằng Châu, FLC Sầm Sơn… Công ty đầu tư và xây dựng Thanh Vân (Parace) đưa vào hoạt động trung tâm hội nghị cao cấp có sức chứa hơn 1000 người và bể bơi tạo sóng ngoài trời. Dự kiến trong năm 2018 có khoảng 10 khách sạn xây dựng mới và đưa vào hoạt động, nâng tổng số phòng nghỉ tại khu du lịch lên 5050 phòng. Ông Lê Xuân Thảo, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và du lịch Hải Tiến cho biết, tại khu Du lịch biển Hải Tiến đã xây dựng chợ hải sản, thu mua các nguồn thực phẩm sạch, hải sản tươi sống do chính người dân địa phương đánh bắt, các sản phẩm nông nghiệp…để chế biến các món ăn hấp dẫn, thêm trải nghiệm cho du khách khi tới với vùng biển.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, huyện Hoằng Hóa cũng tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trước mắt, địa phương duy trì hoạt động Đội quản lý liên ngành các hoạt động du lịch, tổ an ninh trật tự tại khu du lịch Hải Tiến, đồng thời xây dựng đề án trình UBND tỉnh thành lập ban quản lý chuyên trách về du lịch tại khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến. Tại các xã cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ du lịch nhằm xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự đối với khách du lịch và xây dựng ý thức đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch.
Gửi bình luận