Đổi đời
Trên suốt dọc đường từ Hà Nội trở về sau những ngày tham dự “gặp mặt nông dân sản xuất giỏi” toàn quốc, không hiểu sao cái bụng K’Thìn cứ thấy nao nao một điều gì đó rất khó diễn tả. Lần đầu tiên trong đời, K’Thìn mới có được một niềm vinh dự, niềm vui lớn và cũng là lần đầu tiên ông - một già làng quanh năm chỉ biết gắn bó với buôn làng cùng cháu con chống chọi với cái nghèo, cái đói và bao nhiêu thiếu thốn ở một buôn heo hút của đồng bào dân tộc được về Hà Nội tham dự một cuộc liên hoan lớn như thế này. Đã sáu mươi tuổi rồi có bao giờ K’Thìn đi xa nhà đâu? Ông thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng lớn lao, mới mẻ. Ông khẽ lướt mắt nhìn quanh hành khách cùng song hành trên toa tàu, một cảm giác lo lắng chợt hiện lên trong đầu ông. Ông chợt nhớ lời ông bạn già trong buôn căn dặn ông lúc ra đi “coi chừng kẻ cắp”! K’Thìn quờ tay ôm chặt túi xách của mình khư khư trước ngực. Bên trong xách, ngoài vài bộ quần áo, vài vật dụng cá nhân của ông, là cái cặp xinh xinh và con búp bê ông mua làm quà cho hai đứa cháu ngoại, cái áo mới mua làm quà cho đứa con gái và cái máy catssette nhỏ xíu cho thằng con rể.
Minh hạo của Nguyễn Thành Long
Đêm càng khuya, tiếng bánh sắt con tàu cứa đều xuống đường ray cùng với tiếng gió rít bên ngoài thân tàu nghe càng rõ mồn một. K’Thìn trông sao cho tàu chạy nhanh hơn để ông sớm trở về nhà với con cháu. Ông biết giờ này, vợ chồng Ka Son và hai đứa cháu ngoại của ông đang trông chờ ông về - chờ quà của ông với những câu chuyện vui lần đầu ông được về Hà Nội, được vào lăng viếng Bác Hồ, được các nhà báo phỏng vấn và nhiều chuyện vui khác… Ông sẽ kể cho cả nhà nghe, chắc lý thú lắm đây. Sau hơn một ngày đêm ngồi co ro trên chiếc ghế nửa ngồi, nửa nằm và do sức khỏe của tuổi tác khiến K’Thìn thấm mệt. Trong nhịp lắc lư đều đều của con tàu, K’Thìn thiếp đi. Bất chợt, cảnh sống khổ cực, thiếu thốn của gia đình ông hơn mười năm trước hiện về. Và, cuộc sống gia đình K’Thìn đổi thay hoàn toàn kể từ khi con gái ông dắt chồng về buôn giúp ông xây dựng cơ nghiệp mới…
***
Buôn Đạ Klèng vốn là một buôn định canh định cư của đồng bào dân tộc Kơ Ho nằm cách trung tâm huyện hơn sáu mươi cây số đường rừng. Dù không phải là buôn vùng xa nhưng giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế,văn hóa còn gặp nhiều thiếu thốn. Tình trạng mù chữ thất học rất phổ biến, phương thức sản xuất lạc hậu chủ yếu chỉ dựa vào nương rẫy và hái lượm, săn bắn theo mùa. Vấn đề tăng dân số tự nhiên cùng với quan niệm cổ hủ đang là gánh nặng cho chính quyền địa phương và cũng là con đường “luẩn quẩn” đói nghèo của đồng bào buôn làng này.
Gia đình K’Thìn có tất cả mười người nhưng mức sống chỉ trông chờ vào sức lao động của hai vợ chồng ông và người con trai đầu. Khi đứa con gái út là Ka Son chào đời được ba tháng thì vợ K’Thìn vì sinh đẻ nhiều mất sức lại gặp cuộc sống khó khăn thiếu đói quanh năm nên bà đã qua đời để lại cho ông tám đứa con nheo nhóc. Các anh, chị của Ka Son người học lớp năm, người lớp ba đã lần lượt bỏ học để bắt chồng, lấy vợ và chung vai gánh vác gia đình. Chỉ riêng Ka Son là con út nên được các anh chị yêu thương, quan tâm, hy sinh để cho em ăn học đến nơi, đến chốn. Học hết bậc tiểu học tại trường huyện. Ka Son được chuyển lên học trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Có lẽ thấu hiểu sự hy sinh của gia đình, các anh chị, không cam chịu đói nghèo, thất học như các bạn đồng lứa để rồi tiếp tục đói nghèo, ngay từ những ngày đang học phổ thông, Ka Son đã quyết tâm học thật giỏi và tỏ rõ ý chí tiến thân sau này của mình. Dù phải học tập xa nhà chịu nhiều thiếu thốn (chỉ biết dựa vào khoản chu cấp chính của nhà trường và tiền cho thêm của các anh chị đã lập gia đình), nhưng Ka Son không hề nản chí mà càng quyết tâm học thật giỏi. Tốt nghiệp phổ thông trung học, Ka Son tiếp tục dự thi và cô đã đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên chuyên ngành y tế cộng đồng. Và, bảy năm ăn học tại trường này là một quãng đường đầy thử thách, gian truân đối với cô sinh viên nhà nghèo. Chính tại trường Đại học Tây Nguyên này, Ka Son đã gặp anh - người chồng yêu quý sau này của mình - người đã cùng Ka Son đưa gia đình cô sang một “bước ngoặt” mới. Một cuộc“cách mạng” gạt bỏ nếp nghĩ, những quan niệm lỗi thời, cổ hủ bao đời đeo bám để gia đình cô mới có được ngày nay…
Cũng như bao nhiêu bạn bè đồng lứa, Nguyễn Thành xuất thân từ một học sinh nông thôn nghèo, mồ côi cha từ thuở nhỏ. Khi học hết phổ thông trung học, Nguyễn Thành đã rời quê lên Tây Nguyên sống dựa vào gia đình ông chú ruột để tiếp tục thi vào đại học và thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Thành mơ ước sau khi ra trường sẽ trở về chính nơi mình sinh ra để đem kiến thức học được góp phần phát triển kinh tế, đưa nông thôn quê anh thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Từ niềm mơ ước này, Nguyễn Thành đã thi đậu vào Trường Đại học Tây Nguyên chuyên ngành nông nghiệp. Giữa năm học thứ ba, Nguyễn Thành đã tình cờ quen Ka Son trong một dịp nhà trường tổ chức văn nghệ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam. Khi nghe giới thiệu: Giọng hát cô Bí thư chi đoàn đã từng đoạt “Giọng ca vàng” tại liên hoan các trường phổ thông Dân tộc Nội trú toàn quốc, cả hội trường đều dán mắt lên sân khấu. Và Ka Son xuất hiện trong trang phục dân tộc của mình hết sức duyên dáng với bài hát mang âm điệu đặc trưng của dân tộc Kơ Ho: “Nu-Me-Nu-Lơi” (Lời mẹ ru). Chàng sinh viên Nguyễn Thành bị cô sinh viên dân tộc Kơ Ho “hớp hồn” từ đêm văn nghệ đó!
Và, suốt những năm cùng học tại trường, Nguyễn Thành đã dành cho Ka Son tất cả tình yêu chân thành của mình. Nhưng không hiểu sao Ka Son cứ lặng lẽ… từ chối ?! Chàng sinh viên đa tình này không khỏi day dứt đã nhiều lần “hỏi thật” người mình yêu, nhưng Ka Son cứ im lặng, lắc đầu mà đôi mắt buồn xa xăm một điều gì khó hiểu lắm. Câu chuyện tình của hai người bạn bè trong trường ai cũng biết nhưng đều nghi ngại, hoang mang. Nếu như không có một lần…
Ka Son cùng bạn bè trong lớp đi thực tập trước khi làm luận văn tốt nghiệp ra trường. Trên đường đi thực tập trở về, Ka Son không may bị ngã xe đầu đập xuống đường phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Nguyễn Thành nghe tin đã xin phép nhà trường để túc trực, chăm sóc cho Ka Son. Theo chẩn đoán của bác sĩ: Ka Son bị nội thương sọ não phải mổ gấp! Để thực hiện ca mổ cho Ka Son, bệnh viện yêu cầu người thân của bệnh nhân phải cho máu. Hơn mười người bạn cùng lớp của Ka Son đều tự nguyện cho máu để cứu bạn nhưng không hiểu sao chỉ có một mình Nguyễn Thành có cùng nhóm máu với Ka Son. Và, dĩ nhiên Nguyễn Thành đã yêu cầu các bác sĩ để anh cho máu.
Không biết cuộc phẫu thuật diễn ra bao lâu, những ai đã có mặt quan tâm giúp đỡ cho mình? Khi tỉnh dậy giữa bốn bức tường phòng bệnh quét vôi trắng xóa, trong một đêm khuya im lìm, Ka Son nhìn quanh và cô nhận ra Nguyễn Thành đang ngồi gục đầu trên chiếc bàn sát đầu giường bệnh nhân ngủ thiếp đi. Tự dưng, Ka Son cảm thấy dâng lên trong lòng tình yêu thổn thức, hòa với niềm buồn tủi lâu nay chôn chặt trong lòng cô. Ka Son yêu anh lắm, rất hiểu tình yêu của anh đối với Ka Son nhưng không hiểu sao, lòng Ka Son cứ mách bảo: Nguyễn Thành chắc gì chung thủy với mình? Chắc gì một người con trai Kinh lại yêu và quyết tâm lấy một người con gái người dân tộc thiểu số như mình làm vợ? Chính suy nghĩ này khiến Ka Son yêu anh mà cứ hoài day dứt, không dám chấp nhận và cứ tự dối mình!
Trước khi ra viện, được các bác sĩ và bạn bè cho biết Nguyễn Thành đã lo lắng chạy vạy gom góp từng đồng tiền ít ỏi của ông chú cho và của bạn bè để chăm sóc, thuốc thang, đã hiến máu để cứu mình ra sao… Ka Son chợt thấu hiểu hết được tình yêu của anh dành cho mình sâu sắc đến dường nào. Cô bỗng thấy từng ống mạch đang lưu thông trong người mình như co giật, nóng hổi bởi có dòng máu của Nguyễn Thành! Sau lần tai nạn may mắn qua đi, Ka Son đã thật sự yêu Nguyễn Thành bằng trái tim nồng nàn, chất phác của người con gái Kơ Ho. Chuyện tình của hai người đã trở thành một câu chuyện tình cảm động đối với bạn trẻ trong trường. Càng yêu Ka Son, Nguyễn Thành càng hiểu và quý hơn đức tính của người con gái xinh đẹp, chất phác đất Tây Nguyên này. Có lần anh đã vui miệng hỏi sao những ngày trước Ka Son cứ từ chối tình yêu của anh ? Ka Son trả lời rất thực bụng :
-“Người dân tộc khi đã tin ai là tin suốt đời!” Ka Son cũng đã “vặn” lại: Ai bảo anh nói sau khi ra trường, anh trở về lại quê anh?...
(Xem tiếp trên Báo Du lịch số 60 ra ngày 25/7/2018)
Truyện ngắn của THANH DƯƠNG HỒNG
Gửi bình luận