Độc đáo kiến trúc một ngôi trường…
Trong những“chứng nhân”gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển TP.Ðà Lạt có một ngôi trường có kiến trúc mang phong cách châu Âu - một trong 1.000 công trình kiến trúc độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20 - Trường Cao đẳng Sư phạm (CÐSP) Ðà Lạt …
Lịch sử một công trình kiến trúc
Từ cuối thế kỷ XIX, Cao nguyên Trung phần thuộc sự kiểm soát của người Pháp, nhận thấy Đà Lạt có khí hậu mát lạnh, cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp…ban đầu, người Pháp muốn xây dựng nơi đây thành trung tâm nghỉ dưỡng - một “tiểu Paris” dành cho người Pháp và quan chức cao cấp (chứ không muốn phát triển văn hóa giáo dục). Đến những năm 1920 - 1925, con em của các quan chức cao cấp thân Pháp tìm đến Đà Lạt ngày càng đông đã mở ra nhu cầu học tập văn hóa và bộ mặt văn hóa, giáo dục của Đà Lạt bắt đầu “chuyển động”. Đặc biệt, đồ án thiết kế đô thị Đà Lạt của Kiến trúc sư E.Hébrard định hình gồm có khu tập trung dân cư xung quanh Grand Lac (Hồ lớn- hồ Xuân Hương); các trục lộ chính trong thành phố như đường Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, Yersin…; một số công sở ban đầu (Tòa Thị chính, Sở Công Chánh…); các khu công viên, thể thao… đặc biệt hệ thống các trường học được xây dựng. Một số trường học đầu tiên mang tên trường Pháp đã ra đời ở Đà Lạt như: Trường Ecole Francaise (năm 1920); Petit Lycée (trung học nhỏ - năm 1927); Grand Lycée (trung học lớn); Ecle Primé Complémentaire de Dalat (Trường tiểu học bổ túc Đà Lạt, nay là trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, xây dựng năm 1930); Trường Grand Lycée Yersin (Trường CĐSP Đà Lạt ngày nay) khởi công năm 1927 và hoàn thành vào năm 1935...
Hầu hết các trường học ở Đà Lạt xây dựng vào thời điểm này đều có phong cách kiến thúc khá giống nhau, gồm các dãy phòng học; mái lợp bằng ngói được mang từ châu Âu sang; hiên và phần trên các khung cửa có console gỗ được gia công khá công phu vừa đỡ mái ngói vừa trang trí cho ngôi trường…Đặc biệt, trường Grand Lycée Yersin (Trường CĐSP Đà Lạt) có lối kiến trúc rất độc đáo, khác biệt hiếm thấy trong hệ thống trường học ở Việt Nam và được mệnh danh là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ nổi tiếng cả Đông Nam Á. Mặt bằng của trường tuy chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cổ điển nhưng vượt lên bằng hình dáng uốn lượn theo một đường cung mềm mại ôm lấy khoảng không gian rộng bên trong sân trường. Dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ được chở từ châu Âu sang, mái lợp bằng ngói làm từ nước Pháp và “điểm nhấn” là Tháp chuông vươn cao giữa rừng thông xanh ngát hướng về hồ Xuân Hương thơ mộng...
Công trình này do Kiến trúc sư E.Hébrard phác họa và được Kiến trúc sư Moncet thiết kế, chỉ đạo xây dựng. Để thi công công trình, người Pháp đã huy động hàng trăm kỹ sư, phu phen, thợ hồ, thợ mộc…rất giỏi tay nghề khắp các tỉnh, thành của Việt Nam làm việc ròng rã trong 8 năm trời. Có lẽ yêu mến bác sĩ A.Yersin, người đã có công khám phá Đà Lạt nên hai nhà kiến trúc tài hoa đã cố ý đưa những đường nét kiến trúc vùng Morges -Thụy Sĩ (quê hương của Yersin) vào công trình này. Trường có tháp bút mái đứng, có hành lang cong hình bán nguyệt; khuôn viên gồm: văn phòng, các lớp học, các phòng thí nghiệm… đậm nét phong cách kiến trúc Thụy Sĩ. Còn các dãy nhà nghỉ, hội trường, khu nhà Hiệu bộ…lại mang phong cách Pháp. Cũng để tưởng nhớ công lao của Yersin nên sau ngày thành lập, trường mang tên Grand Lycée Yersin (năm 1935)…
Một trong những trường CĐSP đầu tiên
Nơi đây còn ghi dấu sự kiện lịch sử diễn ra giữa tháng 4/1946, Hội nghị trù bị Việt - Pháp đàm phán về vận mệnh của đất nước Việt Nam; “chứng nhân” của lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân Đà Lạt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…
Nét độc đáo quyến rũ của Trường CĐSP Đà Lạt đã từng làm say lòng các nhà kiến trúc thế giới, du khách trong và ngoài nước qua bao nhiêu thế hệ. Chính vậy, công trình kiến trúc này đã được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu trong hiệp Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình độc đáo tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX. Ngoài một công trình tuyệt mỹ mang dấu ấn lịch sử về văn hóa, kiến trúc, Trường CĐSP Đà Lạt còn là một trong 6 trường CĐSP đầu tiên ở miền Nam đào tạo giáo viên cấp II (THCS) cho Lâm Đồng và cho các tỉnh Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre…
Với một công trình kiến trúc theo phong cách châu Âu cổ điển và là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và khu vực, ngày 18/12/2001 Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã chính thức xếp hạng Trường CĐSP Đà Lạt là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia…
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG
Gửi bình luận