“Doanh nhân thời kỳ công nghiệp 4.0 với văn hóa, lịch sử dân tộc”
Đó là chủ đề cuộc tọa đàm tại Hà Nội mới đây do Trung tâm nghiên cứu văn hóa, giáo dục và công nghiệp 4.0 phối hợp Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư sự kiện và du lịch Lửa Việt tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam và chào mừng Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Tọa đàm đã khái quát được bức tranh tổng quan về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến các vấn đề giáo dục, văn hóa, lịch sử… thông qua các ý yến chia sẻ của các chuyên gia quen thuộc với những diễn đàn khởi nghiệp và cách mạng 4.0 như TS Nguyễn Đắc Hưng ,Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hữu Sơn – Trưởng ban tổ chức Game show thực tế “Vua bán hàng”; Luật sư Trương Văn Toàn; ông Hoàng Quốc Việt – Tổng Giám đốc VietsofPr – Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực số hóa 3D các si sản văn hóa.
Theo các chuyên gia tại tọa đàm, trước bối cảnh biến đổi mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghiệp thông minh và công nghệ hiện đại, thì yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để thích ứng với đòi hỏi trong thời kỳ mới trở nên cấp thiết. Giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản nhưng lại phát huy được tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu thay đổi công việc liên tục, giảm thiểu nguy cơ thất nghiệp. Đồng thời các diễn giả cũng cho rằng, mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 mới chỉ bắt đầu, nhưng nó đã và đang để lại cho nhân loại những dấu ấn vô cùng sâu sắc.
“Dù muốn hay không thì cuộc cách mạng 4.0 vẫn sẽ diễn ra và thực tế nó đang diễn ra ví dụ như việc sử dụng các phần mềm ứng dụng Uber, Grab hay những công nghệ số trong quảng bá chào bán các dịch vụ du lịch, các bài thuyết minh du lịch... Do đó, tất cả người dân, doanh nghiệp đều cần phải có những chuẩn bị kỹ càng để thích ứng với làn sóng của cuộc cách mạng này, thay vì chỉ đứng nhìn vào sợ hãi. Không nên hốt hoảng cũng ko được chủ quan. Các doanh nghiệp cần phải tìm cách để thích nghi. Người Việt Nam thông minh và sáng tạo, tôi tin là sẽ bắt kịp với thời đại” – TS Nguyễn Đắc Hưng nói.
Ông Hoàng Quốc Việt, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực số hóa 3D các di sản văn hóa cũng đã phân tích và chỉ ra các đơn vị đã, đang và chuẩn bị sử dụng các ứng dụng của công nghệ vào khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách như: Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hệ thống các khách sạn cao sao tại Việt Nam… Ông Việt cũng khẳng định việc áp dụng công nghệ 4.0 vào phục vụ du khách đã góp phần đa dạng hóa ngôn ngữ thuyết minh,hướng dẫn tại điểm đến, đáp ứng được cho nhiều đối tượng khách quốc tế với từng ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời cũng cung cấp cho du khách những thông tin một cách chuẩn, chính xác, đặc biệt góp phần phòng ngừa và loại trừ những tình huống thuyết minh sai tại điểm đến, xuyên tạc nội dung văn hóa, tính lịch sử của di tích do một số đối tượng hành nghề là người nước ngoài.
Đoàn Hoa
Gửi bình luận