Điện và Kinh doanh du lịch, Kỳ 2
Kỳ 2: Doanh nghiệp lưu trú “1 cổ 2 tròng” về giá điện
Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh lưu trú đang chịu “một cổ hai tròng”: vừa chịu tăng giá điện, vừa chịu mức chênh lệch so với lĩnh vực sản xuất. Cùng với hàng loạt chi phí khác cao hơn đã giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giảm giá phòng, tham gia kích cầu.
Hiện giá điện đang chiếm từ 12% đến 17% trong đầu vào của cơ sở lưu trú
Không chỉ tăng mà còn quá chênh lệch
Khi chính sách “điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất” được áp dụng, đối tượng khách hàng sử dụng điện là các cơ sở lưu trú du lịch sẽ được hưởng lợi. Bởi, giá bán điện hiện đang áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch là giá bán điện kinh doanh ở mức cao hơn so với giá bán điện cho sản xuất.
Tuy nhiên, đó là viễn cảnh ở tương lai mà các doanh nghiệp lưu trú đang chờ đợi và kỳ vọng. Thực tế, hiện nay, lĩnh vực này đang chịu “một cổ hai tròng”: vừa chịu tăng giá điện, vừa chịu mức chênh lệch so với lĩnh vực sản xuất.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, để thu hút đầu tư ngành điện thì cơ chế giá bán lẻ điện phải điều hành kịp thời theo cơ chế thị trường…. Tuy nhiên, kể từ 1/12/2017, giá điện bất ngờ tăng gần 7%. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 98,64 đồng so với giá bán điện bình quân trước đó (1.622,01 đồng/kWh).
Việc tăng giá điện, nhóm sử dụng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng chịu mức tăng giá đáng kể. Cụ thể, giá điện sản xuất đối với cấp điện áp 110 KV trở lên trong giờ cao điểm sẽ tăng 121 đồng, tức là tăng từ 2.459 lên 2.580 đồng/KWh; đối với cấp điện áp 22 đến 110 KV trở lên giá tăng 128 đồng, tăng từ 2.556 lên 2.684 đồng/KWh; ở cấp điện áp từ 6 đến dưới 22 KV giá tăng từ 2.637 lên 2.770 đồng/KWh.
Đối với điện kinh doanh, mức giá thậm chí còn tăng mạnh hơn. Điển hình, cấp điện áp 22 KV trở lên trong giờ cao điểm, tăng gần 1.500 đồng. Điều này có nghĩa, đơn vị kinh doanh sẽ phải trả giá điện ở mức 3.957 đồng/KWh; cấp điện áp từ 6 đến dưới 22 KV giá tăng 1.458 đồng, từ 2.637 lên 4.095 đồng/KWh và dưới 6 KV có giá 4.267 đồng/KWh.
Mức tăng của giá điện hiện nay và giá điện cũ đã là “câu chuyện đau đầu”, tuy nhiên, sự chênh lệnh giữa giá điện kinh doanh và giá điện sản xuất càng khiến doanh nghiệp lưu trú khó cạnh tranh hơn do yếu tố đầu vào tăng. Đặc biệt trong các chương trình kích cầu của quốc gia, địa phương, khối lưu trú khó có thể giảm sâu.
Thực tế, nếu giá điện khách sạn tính theo giá điện sản xuất (sử dụng trong giờ bình thường) thì chỉ bằng 85% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong khi đó, nếu tính theo giá kinh doanh (cũng sử dụng điện trong giờ bình thường) thì chỉ số này là 136% so với mức giá bán lẻ điện bình quân, tức là chênh lệch đến 51% giá điện. Đó là chưa tính đến giá điện trong khung giờ cao điểm rất cao, tuy nhiên, khối lưu trú lại sử dụng điện chủ yếu trong múi giờ này (phóng viên sẽ phân tích ở kỳ sau).
Theo tính tóan, giá phòng khách sạn có thể giảm ở mức 15% nếu được áp giá điện sản xuất
Giá điện ảnh hưởng đến cơ sở lưu trú ra sao?
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thì: “Việc điều chỉnh giá bán điện đối với nhóm cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện kinh doanh sang giá điện sản xuất có thể coi là chính sách giúp phát triển du lịch. Bởi mức giảm giá điện dành cho nhóm đối tượng này theo Dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ” sẽ vào khoảng 37%”.
Cũng theo chuyên gia này, hiện giá điện đang chiếm từ 12% đến 17% trong đầu vào của cơ sở lưu trú. Do đó, nếu áp giá điện sản xuất, nhiều khách sạn, có cả những khách sạn cao cấp, có thể giảm giá phòng đến 15%. Như vậy, chính sách giảm giá điện sẽ giúp tăng nhu cầu phòng khách sạn rất lớn. Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng đối với doanh nghiệp lưu trú mà còn giúp tăng doanh thu cho nhiều ngành dịch vụ liên quan khác.
Thạc sĩ Phan Long Toản, Giám đốc Khách sạn Apex cho biết: “Trên thực tế, tiền điện là một trong những chi phí cao nhất của khách sạn và tác động đến tất cả chi phí đầu vào khác. Với những khách sạn cao cấp có giá phòng cao, doanh thu cao thì còn đỡ, chứ với những khách sạn nhỏ, có giá phòng thấp thì tiền điện thực sự là gánh nặng lớn”.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, các khách sạn trong nước đang đối mặt với gánh nặng chi phí. Ngoài tiền điện cao (so với các khách sạn trong khu vực chỉ phải trả theo giá sản xuất) thì còn đó hàng loạt chi phí khác, như: tiền nước, thuế đất... cũng cao hơn. Thậm chí, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng lên đến 25%.
Nếu điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, thì tương đương với chi phí đầu vào của nhóm doanh nghiệp này sẽ giảm tới 37%. Với mức giảm này, theo tính tóan, giá phòng khách sạn có thể giảm ở mức 15% và tác động đến việc kích cầu, tạo sức hút lớn đối với khách du lịch và góp phần tăng doanh thu cho nhiều ngành dịch vụ liên quan khác. |
Nhóm PV tại TP Hồ Chí Minh
Gửi bình luận