Điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng
Cuối tháng 2/2019, Ga xe lửa quốc tế Đồng Đăng được chọn là nơi đón và tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu đến Việt Nam trong chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần thứ 2 và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Trước đó, ít người biết ga Đồng Đăng đã có lịch sử gần 120 năm, có vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và là chứng nhân lịch sử của ngành Đường sắt Việt Nam. Tháng 7/2019 vừa qua, Ga quốc tế Đồng Đăng đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công bố là điểm du lịch của tỉnh. Từ đây hứa hẹn sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ga Đồng Đăng cũng như du lịch tỉnh Lạng Sơn.
Ngược dòng lịch sử
Theo cuốn Địa chí Lạng Sơn và các tài liệu lịch sử, ga Đồng Đăng hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1902. Ngày 24/4/1889, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ để dùng vào mục tiêu quân sự phục vụ quân Pháp đồn trú ở pháo đài Lạng Sơn, Mục Nam Quan. Đến ngày 8/4/1902, tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn được khánh thành với chiều dài khoảng 160km, khổ đường 0,6m. Điểm đỗ cuối chính là ga Đồng Đăng. Ngày 01/01/1908, đoạn đường sắt Đồng Đăng đến Mục Nam Quan dài 4km được đưa vào khai thác, ga Đồng Đăng trở thành một nhà ga có tác nghiệp cả hai đầu. Vào thời điểm đó, ga Đồng Đăng được coi là công trình hiện đại trên vùng đất miền biên ải, nơi dùng để trung chuyển hàng hóa, đón trả khách, kết nối vùng đất Lạng Sơn – nơi bị coi là vùng “rừng thiêng, nước độc” với Bắc Kỳ, làm cho hoạt động giao thương nhộn nhịp và từ đó góp phần hình thành tụ điểm dân cư. Sau khi tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hoàn thành, “điều đầu tiên dễ nhận thấy là dân địa phương, các thương gia miền xuôi, Trung Quốc có tới mấy ngàn trong một phiên chợ, hàng hoá rất nhiều, như có một sự thay đổi kỳ lạ…”. Chính vì thế, đến ngày 23/9/1925 chính quyền thực dân Pháp đã ra nghị định số 30431 thành lập thị xã Lạng Sơn, đô thị của tỉnh Lạng Sơn. Trong giai đoạn 1925 – 1930, phong trào cách mạng ở Lạng Sơn diễn ra sôi nổi, Lạng Sơn trở thành một đầu mối giao thông liên lạc của những chiến sĩ và tổ chức yêu nước, cách mạng đang hoạt động trong và ngoài nước. Theo Địa chí Lạng Sơn, “Các ga Kỳ Lừa, Tam Lung, Đồng Đăng, Na Sầm là những trạm bí mật đón tiếp và là những hộp thư liên lạc của cán bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên qua lại, đi về hoạt động”.
Ngày 28/2/1955 chuyến tàu đầu tiên đã chạy từ ga Yên Viên lên ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Ngày 19/7/1955, Hội nghị liên vận 10 nước xã hội chủ nghĩa (OSZD) họp ở Đông Berlin (Cộng hòa dân chủ Đức) đã thống nhất kết nạp Đường sắt Việt Nam là thành viên. Ngày 01/8/1955 đường liên vận quốc tế Hà Nội – Bắc Kinh – Mát xcơ va – Berlin chính thức khai thông. Trung tuần tháng 8/1955 chuyến tàu liên vận quốc tế Bắc Kinh – Hà Nội đưa những hành khách đầu tiên về đến ga Hà Nội. Như vậy, ngày 19/7/1955 ngày ngành Đường sắt Việt Nam trở thành thành viên chính thức của OSZD và cũng là ngày ga Đồng Đăng chính thức trở thành ga liên vận quốc tế, nơi đầu tiên tiếp đón và tiễn đưa các đoàn tàu chở hành khách, hàng hoá quốc tế vào Việt Nam cũng như của Việt Nam ra quốc tế.
Từ tháng 8/1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Khi đó nơi tập trung đánh phá là các đầu mối giao thông vận tải. Ga Đồng Đăng là ga địa đầu nằm trên tuyến đường chiến lược nên đã được bảo vệ tốt. Nhà ga là nơi tiếp nhận vũ khí, khí tài đạn dược, lương thực thực phẩm của các nước chi viện cho Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 1972, ga Đồng Đăng là điểm tiếp nhận hàng hóa lớn nhất miền Bắc với hơn 1 triệu tấn hàng hóa các loại. Từ đây quân và dân ta vận chuyển hàng hoá vào chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Đó là thắng lợi cực kỳ quan trọng của tỉnh Lạng Sơn, của ngành đường sắt Việt Nam, của cán bộ công nhân viên ga Đồng Đăng.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, đến năm 1992 từ trong đổ nát, ga Đồng Đăng đã hồi sinh. Ngày 14/2/1996, tại ga Đồng Đăng đã diễn ra lễ khôi phục thông xe đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc. Từ đây bắt đầu thời kỳ hòa nhập của ga Đồng Đăng trong xây dựng, phát triển ngành Đường sắt Việt Nam.
Đến điểm du lịch hiện tại
Ga quốc tế Đồng Đăng hiện tại nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách Tp. Lạng Sơn khoảng 14km về phía Đông Nam. Khu vực này là nơi tiếp giáp của quốc lộ 1A, 1B, đường 4, đường lên cửa khẩu Hữu Nghị. Nhà ga là điểm kết thúc tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và nối với ga Bằng Tường, thuộc tuyến đường sắt Hành Dương – Bằng Tường (Trung Quốc). Với vị trí như vậy, ga Đồng Đăng đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước và các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.
Trong ga Đồng Đăng hiện có 10 đường sắt, đều là đường khổ lồng (có thể chạy được tàu khổ 1.000mm và khổ 1.435mm) chạy từ ga Đồng Đăng về đến ga Gia Lâm (Hà Nội). Hiện nhà ga mỗi ngày đón tiễn khoảng 20 chuyến tàu. Bốn chuyến tàu khách dừng ở ga Đồng Đăng gồm 2 chuyến nối Hà Nội - Đồng Đăng và 2 chuyến liên vận Hà Nội - Bằng Tường (Trung Quốc).
Để chuẩn bị cho lễ đón và tiễn Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong -un vào cuối tháng 2/2019 nhân chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều và thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ga Đồng Đăng đã được trùng tu, sửa chữa khoác lên mình một tấm áo mới. Với ý nghĩa lịch sử của sự kiện chính trị được cả thế giới quan tâm, ga Đồng Đăng trở thành điểm đến mang dấu ấn lịch sử cũng như trở thành biểu tượng cho sự giao thương phát triển kinh tế Lạng Sơn. Những hiện vật phục vụ cho lễ đón và tiễn Chủ tịch Triều Tiên cùng với lịch sử gần 120 năm hình thành của ga Đồng Đăng là chứng nhân hết sức có ý nghĩa cần được bảo vệ, quản lý, phục vụ cho công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch. Vì vậy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định 958/QĐ-UBND công nhận điểm du lịch Ga quốc tế Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Phát biểu tại Lễ công nhận điểm du lịch ga Đồng Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, sự kiện ga Đồng Đăng được công nhận là điểm du lịch góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Lạng Sơn, từ đó tạo điều kiện giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử của Ga quốc tế Đồng Đăng, phục vụ nhu cầu của khách du lịch, tạo ra một điểm đến du lịch trong tuyến du lịch biên giới cửa khẩu, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với địa bàn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.
Cùng với các di tích như nhà bia Thủy môn đình, khu du kích Ba Sơn, pháo đài Đồng Đăng, đền Mẫu Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị… trên địa bàn huyện Cao Lộc, ga Đồng Đăng hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút du khách đến với miền biên giới địa đầu Tổ quốc.
Lan Trần
Gửi bình luận