Di cốt của người tiền sử ở Đắk Nông là di sản độc đáo
Cùng 9 sự kiện tiêu biểu về KHCN được bầu chọn năm 2018, “Phát hiện di cốt của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông nô, Đắk Nông” được đánh giá là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Bởi đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa; bổ sung thêm một loại hình cư trú mới, kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ Bazan Tây Nguyên. Đồng thời là bước ngoặt cho việc nghiên cứu nhân chủng học/ cổ nhân học ở Việt Nam.
PGS Nguyễn Lân Cường, Hội Khảo cổ học Việt Nam, đang tiếp cận di cốt người tiền sử được xác định táng lúc 4 tuổi. (ảnh TL)
Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông nô, Đắk Nông” được thực hiện từ 8/2017 đến 8/2020. Di cốt người tiền sử trong hang động đá vôi ở VN cũng như trên thế giới khá phổ biến nhưng trong hang động núi lửa chưa có tài liệu nào công bố. Đấy là di cốt đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa ở Việt Nam và Đông Nam Á, hiếm gặp trên thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đây là sự kiện gây chấn động trong giới khoa học, giới khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam. Từ đấy sẽ mở ra các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực khảo cổ, di trú của người tiền sử. Chúng tôi thực hiện trong khuôn khổ đề tài thuộc tỉnh Tây Nguyên với nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, liên kết vùng do Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam làm cơ quan chủ quản. Đề tài do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm, TS Phúc cùng các đồng nghiệp đã miệt mài thực hiện công việc tìm kiếm, nghiên cứu tại khu vực Tây Nguyên. Tác giả cho biết, may mắn là ngay trong năm đầu tiên thực hiện nghiên cứu chúng tôi đã phát hiện được di cốt này. Đề tài này hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện từ nay đến năm 2020. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều phát hiện mới, những di chỉ về di trú tại các tỉnh khác của khu vực Tây Nguyên.
PGS.TS Minh nhấn mạnh: “Di chỉ này là di sản có tính độc đáo, là một trong những yếu tố có thể khai thác phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn. Kết quả khai quật đã cung cấp những luận cứ khoa học thuyết phục cho việc phục dựng, tái hiện sinh cảnh người tiền sử. Đồng thời, đóng góp bằng chứng có tính thuyết phục cao cho việc xây dựng công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông. Hiện nay chúng tôi đang phục vụ cho công tác xác lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu cho tỉnh Đắk Nông. Điều này rất quan trọng, đặc biệt cho các tỉnh Tây Nguyên, bởi từ đó có thể giúp các tỉnh Tây Nguyên có thể phát triển mạnh về Du lịch - ngành công nghiệp không khói, thu hút được du khách trong và ngoài nước tới tham quan, khám phá và tìm hiểu học tập.
Đoàn Hoa
Gửi bình luận