Đi chợ vùng cao
Nét độc đáo
Thật vậy, trong những năm qua đã có không biết bao nhiêu du khách khắp nơi đến thăm mảnh đất này. Bất cứ đoàn nào mà tôi được gặp thì họ đều nhờ đưa đi “xem chợ, chơi chợ” theo đúng nghĩa cách gọi của người dân nơi đây. Bởi theo suy nghĩ của mọi người muốn biết được cuộc sống của đồng bào thì chỉ cần dạo qua phiên chợ là hiểu ngay, như ông cha ta vẫn tâm niệm “Muốn biết cuộc sống của một gia đình giàu hay nghèo là phải quan sát qua mâm cơm”.
Nhưng ở phiên chợ vùng cao có điểm độc đáo khác hẳn với những phiên chợ vùng xuôi.Không phải cứ đến chợ là chỉ có cảnh trao đổi mua bán hàng hóa. Ở đây, các phiên chợ còn là dịp để mọi người giao lưu tình cảm qua từng chén rượu nồng, hò hẹn bạn tình, thưởng thức các món ăn ẩm thực đặc trưng của người vùng cao như: mèn mén, thắng cố, khổ nhục, thịt treo,…
Các chợ ở bốn huyện vùng cao Hà Giang chủ yếu vẫn thường họp theo phiên. Có khi họp vào sáng chủ nhật hằng tuần như: chợ Mèo Vạc, chợ Đồng Văn, hoặc họp lùi, cứ 5 ngày một phiên như: chợ xã Niêm Sơn (Mèo Vạc), chợ Sà Phìn, chợ Lũng Phìn (Đồng Văn). Chợ họp vào các ngày 2, 7 âm lịch hằng tuần hay mỗi năm chỉ họp một lần (chợ tình Khâu Vai). Người xuống chợ đủ các thành phần, từ các cụ già, các đôi nam thanh nữ tú đến các em nhỏ cũng lóc cóc đi bộ theo bố mẹ đi chơi chợ. Với những gia đình khá giả thì đi bằng xe máy, những nhà nghèo chủ yếu vẫn cuốc bộ. Ở những xã cách xa trung tâm huyện Mèo Vạc từ 15 đến 24 km, như: Lũng Pù, Pải Lủng, Khâu Vai…để đến được chợ thì họ phải dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng đi bộ xuống chợ. Người thì địu quẩy tấu bán đậu tương, yến ngô, mớ rau; có người cắp nách mấy con gà; người dắt bò, dắt chó, dắt lợn đem bán.Nhưng có người đi chợ chẳng bán gì cả mà đi chơi chợ hoặc tìm hẹn gặp bạn.Đàn ông thường mặc những bộ quần áo vải chàm màu xanh được se dệt thủ công từ những sợi lanh.Các chị em phụ nữ vẫn chủ yếu lộng lẫy diện những bộ áo váy mới đủ màu sắc được thêu dệt với nhiều đường nét hoa văn tỉ mỉ. Đây là những trang phục truyền thống của đồng bào Mông được mặc hằng ngày, từ đi trẩy hội, cưới xin, đi chợ hay trồng ngô, cắt cỏ trên những triền núi đá tai mèo.
Ngày hội
Ở mỗi phiên chợ vùng cao thường được coi là ngày hội. Từ sáng sớm tinh mơ đã thấy từng đoàn người tấp nập từ mọi nẻo đường, thôn bản đổ về chợ trung tâm huyện. Hiện nay, ở bốn huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh Hà Giang thì chợ trung tâm huyện Mèo Vạc có thể coi là lớn nhất, được xây dựng mới từ những năm 2002 có diện tích rộng khoảng hơn 5300m2, bao gồm 2 phần: Chợ trung tâm dùng để trao đổi các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ ăn uống các loại và chợ bò cũng không kém phần sôi động. Trong chợ trung tâm được quy hoạch khá hợp lý. Chỗ được dùng để bán thịt lợn, thịt bò, gà tươi sống; chỗ bán rau, quần áo và các dụng cụ lao động (cày, cuốc, xẻng,...). Nơi được dùng để bán phở, thắng cố; đặt các bàn rượu để cho các đôi bạn tri kỷ trút bầu tâm sự qua những bát rượu ngô men lá đặc trưng của vùng cao.Thỉnh thoảng có những khoảng trống chừng 10m2 để những chàng trai người Mông trổ tài thổi múa khèn với giai điệu tha thiết như đang gọi người yêu. Dưới những tán lá cây bằng lăng tím, hoa ban trên vỉa hè dọc theo các tuyến đường xung quanh chợ hoặc bên thềm sân vận động thường dành cho những người có thú vui chơi chim cảnh, chim chọi họa mi tụ tập trao đổi mua bán hoặc thi đấu, đã thu hút đông đảo khách thập phương và cả du khách nước ngoài đến xem.
Để tạo ra những nét sinh hoạt phong phú hơn trong mỗi phiên chợ, huyện Mèo Vạc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ chợ. Người tham gia chính là các nghệ nhân dân gian hay người dân đi chợ bình thường với điều kiện nhiệt tình, biết hát và múa khèn.Sau mỗi tiết mục, người tham gia biểu diễn đều nhận được một chút kinh phí hỗ trợ từ Ban Tổ chức. Qua đó, khơi dậy được tiềm năng văn nghệ trong đồng bào vùng cao, góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
…Chiều về, mặt trời bắt đầu xuống núi, chợ mới tan hẳn. Các cô gái đang vui đùa hớn hở trở về bản.Bên ven đường, nhiều chàng trai người Mông có lẽ vì gặp được bạn hiền nên hơi quá chén vẫn còn lưu luyến.Bỏ mặc những ưu tư phiền muộn của cuộc sống vào trong giấc ngủ. Và không quên hò hẹn phiên chợ sau gặp lại.
Bài và ảnh: Quỳnh Lưu
Gửi bình luận