Đi chợ đồ cổ Sài Gòn
Với nhiều người mê đồ cổ ở Sài Gòn, khi nói tới khu chợ đồ cổ này thì không ai không biết. Nhiều người đã tìm tới khu chợ này để mua bán trao đổi, có người tới chỉ để nhâm nhi ly cà phê rồi nhìn ngắm những món đồ mà mình ưa thích.
Phiên chợ độc đáo
Trong không khí nhộn nhịp và se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ghé thăm phiên chợ đồ cổ nằm sâu trong con hẽm nhỏ 311 trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP. HCM. Đây là phiên chợ đồ cổ độc đáo và duy nhất ở Sài Gòn. Hoạt động chính thức từ năm 2013 tới nay, phiên chợ đồ cổ tấp nập kẻ mua, người bán. Những người sành đồ cổ không ai không biết tới phiên chợ độc đáo này, chợ thu hút được nhiều đối tượng yêu thích và sưu tầm đồ cổ vì có nhiều món hàng độc, lạ và đa dạng.
Chợ hoạt động từ 6h sáng tới 14h chiều vào ngày chủ nhật hằng tuần, khách tham quan vào chợ kể cả người mua, kẻ bán đều phải mất một khoản phí là 40 ngàn đồng cho mỗi người (phí này đã bao gồm 1 phần cơm trưa và nước uống). Theo anh A Sấm, một người kinh doanh bán hàng lâu năm tại chợ cho biết: Ban đầu nơi đây chỉ là một địa chỉ uy tín nhằm tập trung những người có chung niềm đam mê đồ cổ. Họ đến đây để trao đổi, giao lưu hoặc để khoe những món đồ mà mình đã sưu tầm được, lâu dần anh em tập trung càng nhiều kẻ mua, người bán, trao đổi cho nhau những món đồ cổ có giá trị độc đáo hiếm có. Dần dà, nơi đây đã trở thành phiên chợ đồ cổ độc đáo, giá trị là nằm ở niên hạn của món đồ đó cũng như độ hiếm có của nó.
Khánh Râu - chủ một gian hàng tại chợ chia sẻ: “Niềm đam mê đồ cổ đã ngấm vào máu thịt mình rồi, nhiều khi lặn lội khắp các tỉnh miền Tây để săn tìm cho bằng được những món đồ độc, lạ và hiếm có để mang tới phiên chợ trao đổi cùng các anh em, chiến hữu”. Anh Khánh nói thêm: Điều thú vị nhất là những tín đồ ham mê đồ cổ khi đến đây họ tìm thấy những món đồ hiếm mà mình ưa thích và ưng ý, người ta thường ngắm nghía chúng rất lâu làm cho tôi càng phải đi săn, tìm cho ra được những món đồ độc, hiếm có từ khắp mọi miền để đem về phục vụ và đáp ứng nhu cầu của những người chơi.
Một địa chỉ thú vị đối với khách du lịch
Nhiều du khách nước ngoài cũng xuất hiện nhiều tại khu chợ đồ cổ đặc biệt này, họ thích thú và say sưa nhìn ngắm những món đồ từ những thế kỷ trước tại các nước Anh, Pháp, Mỹ… Bật lửa Zippo và đồng hồ là một trong những món hàng bán chạy nhất tại khu chợ vì tính thực dụng của nó. Tiền xu Việt Nam với nhiều mệnh giá được phát hành qua nhiều thời kỳ khác nhau cũng là một trong những thú chơi của nhiều tín đồ sưu tầm. Một số lượng ít tiền giấy mệnh giá 30 đồng được phát hành lần đầu vào năm 1985 được mua bán tại chợ. Khi khách hỏi mua vài đồng tiền giấy loại này thì chủ cửa hàng chỉ muốn bán mỗi loại một tờ, để những người khách tới sau còn được nhìn ngắm và có sự lựa chọn.
Ông Achille (người Pháp), đã qua Việt Nam sống được vài năm. Ông là người chuyên mua những món đồ cổ, hiếm có từ Pháp rồi chuyển về Sài Gòn, sau đó vào ngày chủ nhật hằng tuần, ông và vợ (người Việt) lại có mặt để bán những món hàng “có một không hai” này cho những ai có nhu cầu cần đến. Rất nhiều món hàng độc đáo và có độ tinh xảo cao và những mặt hàng được bày bán trong phiên chợ chủ yếu được dân trong nghề tìm kiếm mua lại từ những vùng quê rồi đem lên trao đổi mua bán trong phiên chợ.
Nhiều bạn trẻ cũng tìm tới khu chợ đồ cổ này để mua những đồ trang trí cho căn phòng của mình. Tiền cổ từ nhiều quốc gia từ châu Á tới châu Âu luôn được người mua để mắt tới. Tất cả các mặt hàng đều được bày bán rất đa dạng. Những đồ vật như đèn dầu, máy ảnh cổ, đồ gốm sứ thường được chủ các cửa hàng kinh doanh hay người chơi đồ cổ mua về trang trí trong nhà. Theo chị Bích Hợp, chủ sở hữu kinh doanh của ngôi chợ này, sau khi sang nhượng lại quyền kinh doanh từ ca sĩ Cao Minh là người sáng lập ra phiên chợ cùng anh em trong hội đam mê đồ cổ, cho biết: Chủ yếu là lượng khách lớn tuổi đến đây rất nhiều để thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm. Trung bình mỗi ngày chủ nhật có tới cả ngàn lượt khách đến tham quan, mua bán tại chợ. Hầu hết họ đều là những vị khách quen, mỗi khi có món đồ gì độc đáo, chủ tiệm chỉ cần “a lô” là họ sắp xếp công việc ghé xem liền.
Chị Hợp chia sẻ thêm: Chợ hoạt động với mục đích chính là phục vụ thú chơi đồ cổ. Vấn đề kinh doanh không đặt nặng ở đây. Chị mong muốn tạo ra được một nét riêng độc đáo của phiên chợ ở Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu cho những tín đồ đam mê đồ cổ như mình và giúp du khách trong nước và quốc tế đến để giao lưu, tìm hiểu về những cái đẹp trong thú chơi này. n
Bài; ảnh: Quốc Bảo
Gửi bình luận