Đến thăm ngôi chùa thờ Phật mẫu Man Nương tại Kinh Bắc
Phúc Nghiêm tự hay còn gọi là chùa Tổ ở thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 khi Phật giáo mới sơ khai truyền vào nước ta. Chùa Tổ chính là nơi thờ Phật mẫu Man Nương trong Phật giáo Việt Nam đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996.
Trong Phật giáo Việt Nam có thờ hệ thống thờ tứ pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. 4 bà được coi là 4 người con gái của Man Nương. Tượng Phật mẫu Man Nương trong chùa Tổ với dáng ngồi khoan thai, tay bắt vô úy ấn, mặc áo choàng vàng, đầu đội mũ, sơn màu nâu. Tượng Phật mẫu chính là di vật quý giá nhất mà chùa Tổ lưu giữ được từ khi Phật giáo mới buổi đầu sơ khai truyền vào nước ta.
Chùa Tổ nằm bên bờ sông Lục, được xây dựng vào thế kỷ thứ 2. năm 1313 được trùng tu lớn với 50 gian, vào thời nhà Nguyễn có trùng tu thêm một lần nữa khiến chùa có nhiều nét phong cách kiến trúc nhà Nguyễn. Chùa có một giếng cổ, tương truyền do Man Nương cắm cây gậy tích trượng thiêng của thiền sư Khâu Đà La xuống tạo thành, với mục đích cứu dân làng khỏi tình trạng hạn hán kéo dài. Mạch nước năm xưa càng ngày càng rộng và bây giờ trở thành một ao bèo đằng sau chùa Tổ. Dân làng nhiều lần tát ao nhưng cứ bơm nước ra thì nước ở đâu lại dâng đầy lên. Nhiều người chọc gậy xuống thử nhưng không chạm được đáy, giờ đây dân làng không tát và thử ao nữa vì coi đây là nơi linh thiêng, không tùy tiện đụng đến.
Đối với nhiều người kể cả theo đạo Phật hay không, trước khi ghé thăm chùa Dâu thì phải ghé qua chùa Tổ trước, vì phải thăm hỏi “mẹ” trước rồi mới thăm “con”, cho dù chùa Tổ không quy mô và địa thế đẹp như chùa Dâu.
Những người cao tuổi trong làng chia sẻ cho chúng tôi về kiến trúc cũng như về vị trí địa lý của chùa. Phía trước cửa sân chùa Tổ có 2 ao nước nhỏ hình con mắt, có nở nhiều hoa súng tím mùa mưa nước ngập đầy, mùa cạn cũng chỉ vơi đi một ít. Hai ao nước rộng bằng nhau và được ngăn cách bởi một lối đi thẳng vào gian chính cổng chùa. Nhìn từ trên cao, hai ao nước như hai con mắt long lanh của rồng với một đầu tròn bầu, một đầu hất nhọn lên như đuôi mắt. Với vị trí và hình thù như vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng chùa Tổ được xây trên long mạch phần đầu rồng, hai ao nước luôn đầy chính là đôi mắt của rồng. Ở ao nước còn có tượng con nghê lớn, một linh vật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Con nghê được cho là to lớn so với các tượng nghê ở các chùa, đền nơi khác, được tạc chi tiết và công phu hơn. Trong văn hóa Việt Nam, con chó là để canh giữ của cải vật chất, còn nghê được cho là canh giữ về mặt tinh thần, xua đuổi tà ma.
Chùa Tổ từ khi được trùng tu thời Nguyễn thì đến nay chưa có lần trùng tu nào thêm. Nhiều hạng mục của chùa đang trong tình trạng xuống cấp, gian chính ẩm thấp, nhiều chỗ bị dột cộng thêm cây cối mọc um tùm khiến không gian chùa có phần tối.
Nhưng bù lại, nhiều du khách lại ấn tượng bởi không gian tĩnh mịch, nhiều cây cối tại chùa Tổ. Đặc biệt vào những ngày Hè, chùa Tổ cực kỳ mát, từng tia nắng nhỏ xuyên qua khe lá lấp lánh dưới mặt nước, đàn ve sầu kêu cả ngày lẫn đêm như đưa khách hành hương tránh xa mọi ồn ào phố thị, tấp nập.
Chùa Tổ nằm cách quốc lộ 17 khoảng 200m, du khách đến thăm chùa Tổ để tận hưởng cảm giác yên bình, an lạc khi tìm về nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam.
Nguyễn Văn Công
Gửi bình luận