Đến năm 2020 Quảng Nam cần 24.600 lao động du lịch
Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Đào tạo lao động cung ứng cho doanh nghiệp du lịch”. Tham dự có đông đảo sinh viên trường nghề và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn.
Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, hiện ngành Du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đang sử dụng khoảng 15 nghìn lao động, chủ yếu làm việc trong các công ty lữ hành, vận chuyển và cơ sở lưu trú. Trong đó, khối cơ sở lưu trú chiếm khoảng 70%; lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên chiếm 10%; khối các dịch vụ khác 20%. Trình độ lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65%, kể cả hình thức tự đào tạo tại các doanh nghiệp; lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS (tiêu chuẩn kỹ năng cần thiết về nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn) là 5%. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt 40-60% (tùy theo ngành nghề). Trong đó khoảng 10% đáp ứng vượt kỳ vọng của công việc, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên, doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoặc các cơ sở dịch vụ, khu du lịch cao cấp…
Cũng theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, dự kiến đến năm 2020 khoảng 24.600 lao động du lịch các lĩnh vực cần được đào tạo. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 14 cơ sở có đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp liên quan đến đào tạo ngành nghề du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên quy mô đăng ký tuyển sinh đào tạo ngành nghề du lịch, dịch vụ 2.500 chỉ tiêu/năm, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm khoảng 80%.
Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan gồm nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cùng ngồi lại xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt, xây dựng cơ chế thu hút người học có đủ năng lực và trình độ vào học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp du lịch bằng cơ chế hỗ trợ kinh phí đào tạo từ NSNN; môi trường đào tạo chuyên nghiệp tại cơ sở đào tạo, chế độ tiền lương, tiền thưởng và môi trường làm việc tại doanh nghiệp du lịch, dịch vụ.
Xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch Theo Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017- 2020 do Sở VHTTDL soạn thảo (đang trình UBND tỉnh thông qua), với tốc độ tăng trưởng du lịch như hiện nay, nhất là khi các dự án du lịch đầu tư hoàn tất, dự kiến đến năm 2020 du lịch Quảng Nam sẽ cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Tuy nhiên, khả năng đào tạo đến năm 2020 chỉ khoảng 10 nghìn lao động. Theo bà Lê Thị Châu Trinh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú Sở VHTTDL, bên cạnh giải pháp như thực hiện liên kết với các trường ngoài tỉnh có uy tín, chất lượng để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về nghề du lịch, UBND tỉnh cũng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Quảng Nam. Nếu đủ điều kiện, phấn đấu đến năm 2018 nâng cấp thành trường cao đẳng, cùng với đó sẽ đăng ký mở một số mã ngành đào tạo về nghề du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu trong vài năm tới. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có hơn 90% số lao động tại các doanh nghiệp du lịch, khu - điểm du lịch trong tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề cơ bản, thiết yếu như nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, phục vụ bàn, thuyết minh viên. Phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo cơ bản hình thành đội ngũ nhân lực ngành du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. “Để đạt mục tiêu đặt ra, đề án cũng sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các loại hình đào tạo. Trong đó, tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh” - bà Trinh nói. (Nguồn báo Quảng Nam) |
Tấn Lộc
Gửi bình luận