Để bảo tàng là điểm đến hấp dẫn, kỳ 2
Kỳ 2: Vì sao bảo tàng chưa thực sự hấp dẫn, thu hút du khách?
Theo thống kê hàng năm thì số lượng khách đến tham quan các bảo tàng ở Việt Nam ngày càng tăng. Vậy số lượng khách tăng có phải là bảo tàng đã thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách hay không? Còn có những tồn tại, bất cập gì trong hoạt động của các bảo tàng cần phải tháo gỡ?
Hiện vật thuyền cổ nằm chỏng chơ bên ngoài vỉa hè Bảo tàng Bắc Ninh
Chưa có nhiều đổi mới trong trưng bày
Cho đến nay, ở nước ta trong tổng số trên 160 bảo tàng có rất ít bảo tàng có chất lượng và lôi cuốn được công chúng đến khám phá, trải nghiệm. Sức hấp dẫn của bảo tàng không tăng nhiều bởi bảo tàng chưa đáp ứng được sự thỏa mãn nhu cầu khám phá, tìm hiểu của người dân và du khách. Muốn hấp dẫn, thu hút du khách cần đổi mới nội dung trưng bày. Bà Nguyễn Thị Bích Vân- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Khách tham quan đến đông là điều mong muốn của các bảo tàng. Tuy nhiên, quan sát những đoàn tham quan đến bảo tàng hình ảnh dễ nhận thấy khách đi đông, chỉ nghe thuyết minh lúc đầu rồi tản ra và thường đứng cạnh hiện vật, mô hình, máy bay, xe tăng, không gian của bảo tàng nói chuyện, chụp ảnh, lưu hình ảnh minh chứng mình với mọi người mình đã đến nơi đây. Nếu có thời gian đi cùng khách thử tính xem có bao nhiêu người quan tâm nội dung trưng bày, bao nhiêu người đi hết lộ trình tham quan, rất nhiều khách không có cảm nhận, hứng thú về nội dung trưng bày… Theo ông Hùng Dương Bình (Quận 1- TP Hồ Chí Minh): Dù đã được đầu tư về cơ sở vật chất, bước đầu có không ít các bảo tàng đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên quan sát thấy các bảo tàng đang trưng bày cái mình có, theo lối mòn, hoạt động trưng bày lâu nay của các bảo tàng thường chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, trưng bày thiếu tính sáng tạo, chưa hấp dẫn, khô khan, không quan tâm xem nhu cầu của khách cần gì. Khách đến Bảo tàng chủ yếu đông các cháu học sinh, sinh viên đến học tập, nghiên cứu, hay các cựu chiến binh đi tham quan trong các ngày lễ, kỷ niệm thì chưa phải là bảo tàng hấp dẫn.
Thực tế cho thấy: bảo tàng là một hoạt động đa ngành, nhưng nhiều bảo tàng không có một ê kíp thiết kế trưng bày: Kiến trúc sư, họa sỹ, người làm đồ họa có chuyên môn cao về bảo tàng. Dẫn tới hệ thống thiết kế đồ họa theo lối mòn: Hình ảnh, hiện vật được trưng bày trong khuôn viên bảo tàng hay trong tủ kính với lời giới thiệu về hiện vật, tư liệu ít thông tin, không tạo được điểm nhấn, nhiều bảo tàng vẫn đang thực hiện trưng bày theo tiến trình lịch sử với trưng bày ảnh, hiện vật trên đai, tủ, mô hình, sa bàn. Với các bảo tàng số lượng tài liệu hiện vật không phải thiếu, trong số đó có không ít hiện vật có giá trị nhưng việc nghiên cứu chưa sâu, việc tổ chức trưng bày kém hấp dẫn, khô khan, dẫn đến cảm giác của khách là thiếu hiện vật, hiện vật không phong phú, không phát huy được giá trị nhất là các Bảo vật quốc gia.
Trưng bày mảnh xác máy bay các loại ngoài trời ở Bảo tàng Vĩnh Phúc
Còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ
Điều đáng quan tâm hiện nay nhiều Bảo tàng, thậm chí có bảo tàng cấp quốc gia do nhà trưng bày được tận dụng, cải tạo nên việc trưng bày không thể hiện hết được nội dung, không gian chật hẹp, hướng đi tham quan chưa thuận tiện, thiếu chỗ dừng, nghỉ, thậm chí còn thiếu nhà vệ sinh cho khách. Hiện nay, do nhu cầu xã hội nhiều bảo tàng được đầu tư xây dựng mới. Tuy nhiên, có một thực tế đáng quan tâm ở nước ta đối với nhà bảo tàng cứ xây dựng tòa nhà trước rồi sau một thời gian mới chuẩn bị trưng bày, khánh thành trưng bày. Cách làm này không phù hợp, không khoa học, lãng phí, không được tính toán một cách đồng bộ để chuẩn bị xây dựng tòa nhà vừa chuẩn bị nội dung trưng bày. Có không ít bảo tàng xây dựng mới, được thực hiện theo kiểu “chìa khóa trao tay”, điều này dẫn tới công trình bảo tàng thi công xong không đáp ứng yêu cầu của công tác trưng bày, bảo quản hiện vật cũng như nhiều hoạt động khác của bảo tàng.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc – ông Mai Văn Trung và đại diện một số bảo tàng địa phương cho rằng: bảo tàng chưa hấp dẫn, chưa thu hút khách bởi cho đến nay ở nhiều bảo tàng còn chậm đổi mới về nội dung, hình thức đơn điệu, chưa có nhiều các hoạt động trải nghiệm, tương tác, ứng dụng công nghệ trong trưng bày. Công tác thuyết minh thiếu hấp dẫn, công tác tuyên truyền yếu, chưa có sự kết nối tốt cùng các đơn vị lữ hành Du lịch, ngành Giáo dục.... Việc liên kết giữa các bảo tàng với nhau và với các di tích, danh thắng để trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị hiện vật cùng những giá trị văn hóa của các bảo tàng một cách thường xuyên cũng như việc bồi dưỡng nghiệp vụ về chuyên môn bảo tàng và các lĩnh vực liên quan còn nhiều hạn chế. Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Giang - Bùi Đức Tân: “Đối với bảo tàng muốn đổi mới nội dung trưng bày, cần chú trọng về các khâu công tác của bảo tàng, khó nhất vẫn là vấn đề kinh phí và nhân lực. Hiện nay, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ hàng năm cấp cho bảo tàng hạn chế dẫn tới việc tổ chức chỉnh lý nội dung trưng bày, sưu tầm, mua, trao đổi hiện vật, nhất là những hiện vật quý hiếm khó khăn. Không gian chật hẹp không đủ điều kiện trưng bày ngoài trời. Do không có kinh phí nên hiện nay ở nhiều nơi hệ thống nhà trưng bày, nhà kho xuống cấp, mối mọt. Nhà làm việc và trang thiết bị làm việc ít ỏi, cũ kỹ, thiếu thốn, lạc hậu không được đầu tư, vì vậy khó khăn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn”.
°Bài và ảnh: Tuấn Sơn
Gửi bình luận