Để Vĩnh Phúc là trung tâm du lịch của cả nước
So với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc là địa phương có vị trí thuận lợi, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hệ thống di tích văn hóa, tâm linh dày đặc, các sản phẩm thủ công, nghệ thuật ẩm thực độc đáo…
Đây là những tiền đề quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển nhiều các loại hình du lịch, dịch vụ. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định đưa Vĩnh Phúc thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của vùng và của cả nước, có nhiều khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế với đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi, giải trí, du lịch cuối tuần, du lịch văn hóa, tâm linh mang nét đặc trưng riêng.
Tam Đảo
Lợi thế phát triển ngành du lịch, dịch vụ
Vĩnh Phúc nằm trong vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, thuộc tiểu vùng Thủ đô, trong đó có khu du lịch Tam Đảo được xác định là một trong 46 khu du lịch quốc gia được ưu tiên thu hút đầu tư. Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm du lịch lớn của cả nước. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai – Côn Minh nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc cùng với việc đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô tạo ra ưu thế để phát triển loại hình du lịch đường sông.
Nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã tạo cho Vĩnh Phúc nhiều vùng sinh thái với cảnh quan hấp dẫn như dãy Tam Đảo, hồ Đại Lải, hồ Bò Lạc, hồ Xạ Hương, đầm Vạc, đầm Rưng, vườn cò Hải Lựu, vườn cò Đạo Trù… Đây chính là những tài nguyên du lịch quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc. Trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, mang giá trị cao như Khu di tích danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh, chùa Hà Tiên, cụm đình Hương Canh, đình Thổ Tang, di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu… các lễ hội truyền thống Tây Thiên, chọi trâu Hải Lựu, các làn điệu dân ca, dân vũ hát trống quân, hát soọng cô… và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống như gốm Hương Canh, mộc Thanh Lãng, làng rắn Vĩnh Sơn, rèn Lý Nhân, nghề đá Hải Lựu... tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
Flamingo Đại Lải
Đột phá về phát triển du lịch
Để tạo bước đột phá về phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với việc ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Tháng 11/2011, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tập trung phát triển mạnh dịch vụ du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; giải quyết những vướng mắc liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, các chương trình, dự án cụ thể về phát triển du lịch; thực hiện công tác truyền thông phát triển du lịch... Tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch dịch vụ trọng điểm của tỉnh gồm Khu du lịch Tam Đảo I, Khu phía Tây - khu du lịch Đại Lải và Khu danh thắng Tây Thiên nhằm tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 với những giải pháp tập trung, có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước nhằm đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc tới du khách trong nước và quốc tế.
Nhờ có những chủ trương và chính sách phát triển đúng hướng, sau 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã
Dự kiến trong cả năm 2017, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đón hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 13,5% so với năm 2016; tổng thu từ du lịch ước đạt 1.420 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm 2016. |
xây dựng được thương hiệu, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật nhiều khu du lịch, tạo ra diện mạo mới theo hướng hiện đại. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ như Flamingo Đại Lải Resort, Quần thể du lịch sinh thái FLC Vĩnh Thịnh - An Tường, Khu di tích danh thắng - lễ hội Tây Thiên, Sông Hồng Resort... Trong tương lai không xa là Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II, Paradise Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Phúc Resort giai đoạn 2, Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc… sẽ tạo nên chuỗi cơ sở hạ tầng hiện đại với nhiều sản phẩm đẳng cấp, mang đến những trải nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong 5 năm vừa qua, lượng du khách đến Vĩnh Phúc luôn giữ tốc độ tăng trưởng bình quân từ 12% - 15%/năm. Nếu như năm 2011 khách du lịch đến Vĩnh Phúc mới đạt 1,79 triệu lượt khách, trong đó có 27.100 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 740 tỷ đồng thì đến hết năm 2016, du lịch Vĩnh Phúc đã đón 3,82 triệu lượt khách, trong đó có trên 37.000 lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 1.287 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cho trên 3 triệu lượt khách/năm với 1 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 28 khách sạn 2 sao và 15 khách sạn 1 sao.
Những kết quả nổi bật nêu trên không chỉ phản ánh nỗ lực, đổi mới trong nhận thức về phát triển du lịch mà còn tạo đà bứt phá, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 theo đúng tinh thần Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2020.
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương tiêu biểu của cả nước trong nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và tạo sự gắn kết với doanh nghiệp. Xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đang tiếp tục thực hiện mục tiêu 3 tốt: “Môi trường pháp lý tốt, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt” nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư chiến lược đến với Vĩnh Phúc. |
Lê Hải
Gửi bình luận